100 triệu USD tổ chức SEA Games 2021: Khó trôi?

TP - Thể thao Việt Nam đang đứng trước cơ hội đăng cai SEA Games 2021, nhưng thông tin chi phí tổ chức đại hội thể thao này chỉ khoảng 100 triệu USD khiến nhiều người nghi ngờ.
Myanmar chi hơn 400 triệu USD cho việc tổ chức SEA Games 27. Ảnh: VSI

“Gánh” hộ Campuchia

Con số trên theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành thể thao, chỉ mang tính “trấn an” dư luận, gần như không mang tính khả thi, đặc biệt khi địa phương dự kiến sẽ đứng ra đăng cai SEA Games đang được “ướm” cho TPHCM. Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh ủng hộ việc đăng cai SEA Games 2021 nhưng cho rằng, Việt Nam đã có bài học về ý định đăng cai ASIAD 18 nên cần cẩn trọng khi xác định chi phí tổ chức SEA Games.

“Những người ủng hộ đăng cai SEA Games “tung ra” con số 100 triệu USD, nhưng người ta nghi ngờ vì chúng ta từng có bài học đăng cai ASIAD với 150 triệu USD, mà tính kỹ thì phải đến 1 tỷ USD rồi. Như vậy liệu tổ chức SEA Games có thể là chỉ 100 triệu USD không?”

Ông Nguyễn Hồng Minh

“Những người ủng hộ đăng cai SEA Games “tung ra” con số 100 triệu USD, nhưng dư luận nghi ngờ vì chúng ta từng có bài học đăng cai ASIAD với 150 triệu USD, mà tính kỹ thì phải đến 1 tỷ USD rồi. Như vậy liệu tổ chức SEA Games có thể là chỉ 100 triệu USD không?”- ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Một ví dụ ông Minh dẫn chứng ra là để đăng cai SEA Games 28, Singapore đã phải bỏ ra khoảng 240 triệu USD. Con số này còn chưa bao gồm 60 triệu đô-la Singapore từ các nhà tài trợ, dùng cho việc đón tiếp các đoàn, tổ chức khai mạc, bế mạc… Trước đó ở SEA Games 2013, Myanmar cũng đã phải chi hơn 400 triệu USD cho công tác tổ chức. “Ít” hơn một chút, nước chủ nhà SEA Games 26 Indonesia đã tốn tới 311 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, chi phí tổ chức SEA Games 2021 sẽ lớn hơn nếu tổ chức tại TPHCM thay vì Hà Nội, do việc phải xây mới, cải tạo các cơ sở vật chất phục vụ việc thi đấu. “Tôi được biết theo lịch luân phiên giữa các quốc gia thì SEA Games 2021 sẽ được tổ chức ở Campuchia nhưng họ không làm được nên chúng ta được đề nghị làm hộ”-ông Nguyễn Hồng Minh cho biết thêm.

Cần đề án khả thi

Trả lời Tiền Phong sáng qua, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, hồi tháng 3 vừa qua Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đã có văn bản đề nghị Việt Nam đăng cai SEA Games 2021. Liên đoàn thể thao Đông Nam Á cũng đề nghị Việt Nam nếu đồng ý đăng cai thì phải báo cáo Chính phủ và có xác nhận bằng văn bản. Theo Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc trên. “Mọi việc mới chỉ dừng ở đấy, báo cáo là để xin chủ trương thôi xem chúng ta có nhận không. Trong trường hợp xác định nhận thì khi đó chúng ta phải có đề án cụ thể để Thủ tướng làm cơ sở xem xét, ra quyết định. Hiện tại đã có đề án đâu để Thủ tướng quyết…”-ông Thắng cho biết.

Đối với một số ý kiến cho rằng SEA Games 2021 có thể tổ chức tại TPHCM, ông Thắng cho biết nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý Việt Nam nhận đăng cai thì Bộ VH-TT&DL và các bộ liên quan khi đó mới xem xét địa phương nào đủ khả năng tổ chức, phù hợp đối với điều kiện kinh tế.

Không bình luận về chi phí dự kiến 100 triệu USD để tổ chức SEA Games 2021, ông Thắng cho biết: “Đây mới là ý kiến của một số cá nhân, còn cụ thể tiêu bao nhiêu còn tùy thuộc chúng ta tổ chức ở đâu, tổ chức như thế nào”.

Có vẻ như do đề án đăng cai ASIAD 18 trước đây từng bị dư luận phản đối, việc có hay không đăng cai SEA Games 2021 trở thành một vấn đề nhạy cảm khiến hầu hết các quan chức trong ngành thể thao đều từ chối bình luận, cho ý kiến. Theo một quan chức Ủy ban Olympic Việt Nam (đề nghị không nêu tên), Việt Nam từng phản đối quyết liệt đăng cai một sự kiện tầm châu lục là ASIAD 18, nhưng lại có vẻ quá sốt sắng đối với kế hoạch đăng cai SEA Games.

“Không đăng cai thì 2 năm 1 lần thể thao Việt Nam vẫn phải chuẩn bị cho SEA Games. Chúng ta cũng thừa lực để cạnh tranh ở khu vực, không đến mức phải chờ đăng cai mới tập trung đầu tư như chuẩn bị cho ASIAD. Chưa kể SEA Games luôn nặng thành tích, đầu tư mang tính dàn trải cho nhiều môn chứ không như ASIAD, chúng ta chỉ tập trung cho các môn trọng điểm. Đầu tư cho các môn Olympic cũng mới là định hướng phát triển của thể thao đỉnh cao hiện nay”- vị này nói.