10 xu thế và sự kiện lớn của Trung Quốc năm 2013

TPO- Tờ Wall Street Journal (Mỹ) dự báo, năm 2013, một năm sau quá trình chuyển đổi lãnh đạo, Trung Quốc sẽ là lực lượng quan trọng định hình kinh tế và an ninh toàn cầu.
Những xu thế và sự kiến lớn của Trung Quốc năm 2013

> Trung Quốc có thể quân sự hóa vấn đề Biển Đông
> Biển Đông vẫn là vấn đề 'nóng' của ASEAN trong 2013

Những định hình này bắt nguồn từ sức mạnh quân sự - công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc, những điểm yếu của nền kinh tế đang chững lại, và hệ thống chính trị bị nạn tham nhũng gây cản trở.

Qua đó, Wall Street Journal đưa ra 10 xu thế và sự kiện lớn trong năm 2013 của Trung Quốc, nhằm giúp cộng đồng quốc tế có cái nhìn toàn cảnh và theo sát sự kiện.

1. Trung Quốc sẽ tiếp tục chuyển hướng sang con đường tăng trưởng kinh tế chậm.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, việc những nước thuộc nhóm có nền kinh tế mới nổi (BRICS) như Trung Quốc chuyển sang hướng này là xu thế phổ biến, do nguy cơ đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”, khi đất nước phải cố gắng nâng cao dây chuyền sản xuất công nghiệp bổ sung giá trị.

Cái “bẫy” này của Trung Quốc dường như xảy ra sớm hơn so với dự kiến bởi những yếu tố như các bệnh mãn tính, ô nhiễm, bất lợi về dân số do chính sách một con gây ra.

Trung Quốc năm 2013 sẽ chuyển hướng tăng trưởng kinh tế chậm.

2. Mức lương tăng và thiếu lao động trẻ làm giảm sức cạnh tranh sản xuất toàn cầu của Trung Quốc.

Từ năm 2010 đến 2011, mức lương trung bình của công nhân nhà máy ở Trung Quốc tăng lên 4 lần trong khi ở Mexico chỉ là 40% cùng kì, theo HSBC.

Điều này phản ánh chi phí lương tăng và việc ngày càng thiếu nhân công tay nghề cao đang làm giảm đi khả năng cạnh tranh của Trung Quốc so với những đối thủ cạnh tranh khác trên thế giới.

3. Nhu cầu nhà ở mới sẽ vẫn còn thấp. Mặc dù giá nhà ở một số thành phố lớn có tăng chậm nhưng một số nơi khác lại đang giảm mạnh, điển hình như ở Ôn Châu.

4. Vấn đề tham nhũng sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của thế hệ lãnh đạo mới. Bất kì thế hệ lãnh đạo mới lên đều có “bài cũ” là “tuyên chiến với tham nhũng”.

Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng gần đây ít nhất có 2 điểm khác: một là, bối cảnh bất bình đẳng ngày càng gia tăng về thu nhập và cơ hội khiến người dân ngày càng bất mãn với tham quan và “những ông vua con”.

Thứ hai, Chính phủ sẽ có những biện pháp cụ thể, như nghiêm cấm quân đội tổ chức tiệc tùng xa hoa.

Điều này cho thấy các hoạt động chống tham nhũng trong năm 2013 có thể sẽ đi vào thực tế hơn chỉ là biểu tượng, giúp khôi phục lại hình ảnh và uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong lòng dân chúng.

5. Các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tìm kiếm tài sản bổ sung và cơ hội mới ở nước ngoài, đặc biệt là ở Bắc Mỹ. Các ngành chính bao gồm bất động sản, nông nghiệp, sản xuất…, những ngành cần thiết giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận thị trường nước ngoài và chuyển giao công nghệ.

Theo báo cáo Xu hướng Toàn cầu 2030 của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, “trong 20 năm tới, các doanh nghiệp Trung Quốc rất có thể sẽ cần phải đầu tư ở nước ngoài để đạt được những tiến bộ công nghệ mới, cải tiến phong cách quản lý. Để làm được điều đó, Trung Quốc sẽ phải tham gia vào đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các quốc gia khác, một bước đi hợp lý trong giai đoạn phát triển này và đây có thể là cách duy nhất để Trung Quốc đạt được chuỗi giá trị”.

6. Các nhà đầu tư Trung Quốc tại Iraq và Afghanistan sẽ phải tự gánh vác vấn đề an ninh bởi Mỹ và NATO tiếp tục giảm hiện diện quân sự ở hai nước này.

Tính đến tháng 6 - 2012, có hơn 16.000 danh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài với ít nhất 847.000 lao động Trung Quốc. Các hoạt động đầu tư này có tác động trực tiếp đáng kể tới nền kinh tế Trung Quốc (đem lại 57 tỉ USD kiều hối).

Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cảm Đào tiếp tổng thống Hamid Karzai tại Bắc Kinh tháng 7/2012 trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Tuy nhiên, khi hoạt động tại những khu vực đang xảy ra chiến sự, việc làm ăn có chút hạn chế. Các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc như Tập đoàn An ninh Sơn Đông Huawei nhìn thấy cơ hội trong việc giúp đỡ các công ty Trung Quốc khác đầu tư vào các dự án có giá trị và vị trí ổn định.

7. Đối mặt với những thách thức nội quốc ngày càng tăng, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể áp dụng những chính sách đối ngoại chủ nghĩa dân tộc hơn nữa, đặc biệt là trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Bên cạnh việc tập trung vào ổn định chế độ và an ninh quốc gia, Bắc Kinh còn coi việc tuyên bố chủ quyền trên ba vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng như Biển Đông, Hoa Đông, Hoàng Hải là ưu tiên về chính sách quân sự.

Tàu Trung Quốc trên vùng biển gần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Nhật Bản và Trung Quốc đang vô cùng căng thẳng trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Gần đây, Nhật Bản tỏ thái độ cứng rắn đối với vấn đề chủ quyền khi triệu đại sứ Trung Quốc và tăng cường ngân sách quốc phòng.

Bên cạnh đó, việc Mỹ sẵn sàng tham gia vào bất kì cuộc khủng hoảng hoặc xung đột nào đã khiến biển Hoa Đông được đánh giá là khu vực có khả năng bùng phát chiến tranh lớn và xung đột quân sự nguy hiểm nhất.

Trái lại, Biển Đông được cho là ít có nguy cơ xung đột quân sự nhưng có thể chứng kiến nhiều cuộc xích mích, đụng độ nhỏ và khẩu chiến.

8. Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia sản xuất tàu quân sự lớn nhất. Trong khi triển vọng và tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế gần đây của Trung Quốc có thể bị thổi phồng quá mức nhưng tốc độ và cường độ phát triển công nghệ quân sự của nước này lại bị đánh giá thấp trong nhiều năm qua.

Giai đoạn giữa và sau những năm 90 của thế kỷ 20 Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh vực này, đến nay đã có được những kết quả nhất định. Hiện nay các nước lớn không có mấy nước được như Trung Quốc có vốn và nguồn nhân lực lớn để xây dựng 1 loạt các dự án mới.

Tàu của Hải quân Trung Quốc.

Lấy hải quân Trung Quốc làm một ví dụ, Trung Quốc hiện đang xây dựng hàng hoạt tàu ngầm và tàu chiến hiện đại, mục tiêu có thêm nhiều tàu sân bay.

Cho đến nay, Trung Quốc dường như đang tăng tốc xây dựng tàu chiến, nâng cao chất lượng bằng cách thay thế những tàu chiến cũ bằng những tàu chiến mới với tốc độ chóng mặt. Nước này còn có những nhà máy đóng tàu có khả năng sản xuất cả tàu ngầm năng lượng hạt nhân tiên tiến.

9. Tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ hé lộ thêm 1 số thông tin. Bằng chứng cho thấy tàu sân bay nội địa dù đang trong giai đoạn phát triển hoặc chế tạo cũng đều ngụ ý về ý đồ hải quân trong tương lai của Trung Quốc.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

10. Máy bay vận tải Y- 20 sẽ lần đầu tiên cất cánh. Nếu như ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc luôn là lĩnh vực yếu từ những năm 1950 thì ngày nay đã đạt được nhiều tiến bộ lớn.

Chiếc máy bay này thể hiện tham vọng phát triển chương trình máy bay dân dụng và quân sự. Thành công của Y – 20 sẽ khẳng định Trung Quốc có khả năng chế tạo máy bay vận chuyển cỡ lớn.

Hình ảnh được cho là máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc.

Tóm lại, 2013 sẽ là năm Trung Quốc tiếp tục thu hoạch thành quả của đầu tư dài hạn, tăng trưởng kinh tế, cải thiện dân sinh, hiện đại hóa quân đội và giành ảnh hưởng tới khu vực và toàn cầu.

Đồng thời, năm 2013 cũng sẽ làm nổi bật tính hạn chế của mô hình tăng trưởng Trung Quốc, cho thấy sức mạnh tổng hợp của nước này sẽ phát triển như thế nào cũng như việc lãnh đạo Trung Quốc làm sao để vận dụng sức mạnh tổng hợp quốc gia trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp.

Phan Yến
Theo Wall Street Journal

Theo Dịch