Ngày 8/1, ông Trump không loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự hoặc kinh tế để thâu tóm hòn đảo của Đan Mạch sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1. Phát biểu này khiến các đồng minh châu Âu lo ngại về nguy cơ phá vỡ nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng.
Dù ông Trump từng đề cập đến khả năng thâu tóm Greenland trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng những phát biểu gần đây cho thấy đây là tham vọng thực sự chứ không phải ý tưởng thoáng qua.
Một số người nắm được các cuộc bàn bạc nội bộ với ông Trump tiết lộ với Reuters, rằng khó có khả năng nhà lãnh đạo vốn là ông trùm bất động sản sẽ dùng biện pháp quân sự để giành lấy Greenland. Tuy nhiên, ông Trump nghiêm túc với khả năng sử dụng các biện pháp khác, như gây áp lực ngoại giao hoặc kinh tế với Đan Mạch.
"Di sản thực sự mà ông ấy muốn để lại là mở rộng biên giới của Mỹ. Theo nghĩa đen, trong 70 năm qua, chúng tôi không có thêm bất động sản nào. Ông ấy nói rất nhiều về điều đó”, nguồn tin cho biết.
Năm 1959, Alaska và Hawaii trở thành bang thứ 49 và 50 của Mỹ, dưới thời chính quyền của Tổng thống Dwight Eisenhower thuộc đảng Cộng hòa.
Một người thân cận khác của Tổng thống đắc cử Trump kể rằng ông đã thấy một danh sách các nhiệm vụ ưu tiên trong chính sách đối ngoại mà các quan chức cấp cao của ông Trump soạn ra sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 vừa qua. Một danh mục khiến ông chú ý ngay lập tức: "Mua Greenland". Ông Trump gọi việc mua lại Greenland là mệnh lệnh an ninh quốc gia.
Các cố vấn của ông Trump cho biết, họ mong đợi sẽ có thay đổi trong phân bổ nguồn lực chính sách đối ngoại của Mỹ và chuyển hướng chú ý về châu Mỹ dưới thời chính quyền kế nhiệm.
Đan Mạch đã đáp lại phát biểu của ông Trump rằng Greenland không phải để bán.
Ông Trump nghi ngờ việc Trung Quốc và Nga mở rộng ảnh hưởng ở khu vực, nơi ông coi là sân sau của Mỹ, hai cố vấn của ông Trump tham gia vào quá trình lập kế hoạch chính sách về Mỹ Latinh cho biết.
Các cộng sự hiện tại và trước đây của ông Trump cho biết Tổng thống đắc cử Mỹ quan tâm đến việc mở rộng lãnh thổ để tạo nên di sản mà nhiều thế hệ sẽ ghi nhớ.
"Mọi quyết định mà ông Trump đưa ra đều vì lợi ích tốt nhất của Mỹ và người dân Mỹ. Đó là lý do tại sao Tổng thống đắc cử Trump thu hút chú ý đến những mối quan ngại chính đáng về an ninh quốc gia và kinh tế liên quan đến Canada, Greenland và Panama", Karoline Leavitt, phát ngôn viên của ông Trump, khẳng định.
Noi theo người hùng
Một trong những người mà ông Trump ngưỡng mộ là cố Tổng thống William McKinley, người tại nhiệm từ năm 1897 cho đến khi bị ám sát năm 1901. Ông đã giành được quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ nước ngoài trong thời gian lãnh đạo Nhà Trắng, bao gồm Puerto Rico và Hawaii.
Ông Trump thường xuyên ca ngợi ông McKinley trong chiến dịch tranh cử. Tháng 12 vừa qua, ông Trump cho biết ông có kế hoạch đổi tên Denali - ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ - theo tên vị tổng thống thứ 25.
Một cố vấn của ông Trump đăng trên mạng xã hội tấm bản đồ về một "siêu nước Mỹ", bao gồm Canada và Mỹ hiện nay. Ông cho rằng siêu nước Mỹ sẽ lấn át ảnh hưởng của Nga ở Bắc Cực, nơi đang là trọng tâm của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Greenland cũng có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản giá trị cao và gần các tuyến đường vận chuyển qua Bắc Cực.
Những lợi ích đó trở nên quan trọng hơn đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong vài năm gần đây, khi Nga và Trung Quốc nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Bắc Cực.
Greenland có ý nghĩa chiến lược đối với quân đội Mỹ và hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Washington, vì tuyến đường ngắn nhất từ châu Âu đến Bắc Mỹ chạy qua hòn đảo này.
Chưa biết ông Trump sẽ làm như thế nào để có được Greenland. Một số cố vấn nắm được tình hình nội bộ tiết lộ khả năng Mỹ ký với Greenland một hiệp ước liên kết tự do (COFA), nếu hòn đảo này hoàn toàn độc lập khỏi Đan Mạch. Mỹ đã ký COFA với 3 đảo quốc Thái Bình Dương.
Một cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Mỹ trong Nhà Trắng giai đoạn 2017-2021 cho biết, ông Trump lần đầu tiên nêu ý tưởng mua Greenland vào năm 2017, đến năm 2019 thì trở nên nghiêm túc hơn. Điều đó dẫn đến một loạt cuộc họp tại Nhà Trắng, nơi các cố vấn đưa ra những lựa chọn về cách Mỹ có thể tăng cường ảnh hưởng ở Greenland.
Trong quá khứ, Mỹ từng tìm cách mua lại Greenland từ Đan Mạch, nhưng Đan Mạch âm thầm từ chối lời đề nghị bí mật của chính quyền Tổng thống Harry Truman để mua lại hòn đảo này với giá 100 triệu USD vào năm 1946.