Vì thế, đã đến lúc Chính phủ cần xem xét lại việc xuất khẩu than. Để rộng đường dư luận, Tiền Phong giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn.
Kỳ 1 - Được ít, mất nhiều
Tài nguyên khoáng sản của Việt Nam (VN) vốn có hạn, là tài sản quốc gia, thuộc quyền sở hữu toàn dân. Vì vậy, từ năm 1996, Bộ Chính trị có Nghị quyết về định hướng chiến lược tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2010.
Tinh thần quán triệt của Đảng ta là tài nguyên khoáng sản cần được quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng có hiệu quả, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
Các quan điểm cơ bản về phát triển công nghiệp khai khoáng là: cần phải bảo vệ, khai thác kết hợp với chế biến, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có dự trữ lâu dài; lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; phải tính đến nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của đất nước, có tính đến xu hướng tiến bộ của khoa học công nghệ...
Riêng lĩnh vực khai thác than, Nghị quyết nhấn mạnh: đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, khai thác với qui mô thích hợp các mỏ có trữ lượng ở vùng than Quảng Ninh và các vùng khác; tiếp tục công tác thăm dò trên toàn diện tích chứa than để có cơ sở lập quy hoạch phát triển lâu dài ngành than.
Nhìn chung, than là nguồn năng lượng hoá thạch không tái tạo, được sử dụng chủ yếu (hơn 70%) làm nhiên liệu để phát điện. Trên thế giới, cách đây nhiều năm, các chuyên gia đã ví than như “chiếc cầu bắc tới tương lai của ngành năng lượng”, còn hiện nay, với sự phát triển nhanh và có hiệu quả của công nghệ than sạch, đang khẳng định “than là tương lai của ngành năng lượng”.
Để góp phần khẳng định những tư tưởng và định hướng chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị về ngành công nghiệp khai khoáng và làm sáng tỏ hơn vai trò và vị trí của than - tương lai của ngành năng lượng Việt Nam, sau đây chúng tôi xin đề cập đến một vấn đề nhỏ là xuất - nhập khẩu than của Việt Nam.
Lợi ích cục bộ
Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đang ngày càng rõ nét. Trong đó, vấn đề khai thác và sử dụng than đã và đang nổi lên với đầy đủ những mảng màu tối, sáng. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu than, mặt trái của tấm huân chương đang ngày càng hiện ra đầy đủ.
Trước hết, có thể nói việc xuất khẩu than (được coi như một thành tích trong thời gian qua) chỉ mang lại lợi ích tài chính cục bộ trước mắt cho ngành than, nhưng đã và đang dẫn đến sự thiệt hại lâu dài cho cả đất nước.
Ngoài việc thất thoát tài nguyên, nền kinh tế còn chịu thiệt hại không chỉ bằng tiền, mà cả bằng thời gian. Nếu trong vòng 13 năm qua, thay vì tích cực xuất khẩu than, TKV đẩy mạnh đầu tư theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chỉ tập chung tiềm lực đầu tư cho ngành than (thay vì đầu tư vào các lĩnh vực đa ngành khác đang tỏ ra không có hiệu quả), thì nguy cơ phải nhập khẩu than của Việt Nam có thể được đẩy lùi hàng chục năm.
Còn bản thân ngành than và tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang hứng chịu nhiều rủi ro: nạn than thổ phỉ đến nay chưa thể dập tắt hoàn toàn; mất cán bộ (đến nay đã có hàng trăm cán bộ trong và ngoài ngành than bị xử lý kỷ luật có liên quan đến xuất khẩu than); môi trường vùng than vốn ô nhiễm càng trở nên trầm trọng; môi trường xã hội ở tỉnh Quảng Ninh ngày càng trở nên bức xúc (đã xảy ra nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma tuý, mại dâm, giết người theo kiểu xã hội đen v.v.).
Tăng sản lượng, vỡ quy hoạch
Ngành than đang có nguy cơ không thực hiện được nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được Chính phủ giao là đảm bảo các cân đối lớn về than cho nền kinh tế.
Tình trạng sớm mất cân đối về than của nền kinh tế có thể nói trước hết là do ngành than đã không tự giác thực hiện nghiêm chỉnh nội dung Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003 (với qui mô khai thác đủ đáp ứng các nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu than ở mức tối thiểu nhất).
Nhu cầu than trong nước thực tế đã và đang diễn ra đúng như dự kiến trong Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2003. Nhưng sản lượng khai thác than của TKV từ lâu đã vượt xa mức quy hoạch.
Về mặt chủ quan, thay vì phải đầu tư chiều sâu (nâng cao hiệu quả, giảm giá thành, tăng năng suất lao động trong khâu khai thác than), ngành than lại tích cực đầu tư theo chiều rộng, tăng khối lượng, dẫn đến tình trạng thừa than, tạo ra một yêu cầu giả tạo là phải “đẩy mạnh xuất khẩu than”.
Về mặt khách quan, do giá cung cấp than cho các hộ tiêu dùng nội địa được nhà nước điều tiết và bình ổn ở mức thấp, việc xuất khẩu than (kể cả chính ngạch và tiểu ngạch) đều tạo ra nguồn lợi rất lớn, có sức hấp dẫn đặc biệt (đặc biệt là trong các khâu khai thác than trái phép và buôn lậu than).
Nguồn lợi của việc xuất khẩu than quá lớn dẫn đến việc tổ chức và quản lý của ngành bị méo mó, thậm chí trái với quy luật thị trường. Trước đây, trong Bộ Năng lượng chỉ duy nhất một đơn vị làm đầu mối xuất khẩu than là Coalimex.
Ngay sau khi thành lập Tổng Cty Than, đầu mối xuất khẩu than đã bị phân tán theo kiểu chia phần. Số đơn vị được trực tiếp xuất khẩu than đã tăng lên không thể đếm bằng đầu ngón tay. Nhiều đơn vị thành viên không có than cũng được cấp hạn ngạch xuất khẩu.
Học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường học nghề cũng được tham gia khai thác than để xuất khẩu. Nhiều đơn vị thuộc diện kinh doanh đa ngành (ngoài than), nhưng khi bị thua lỗ cũng được bù lỗ bằng việc xin xuất khẩu than. Khách hàng nước ngoài mua than có quá nhiều nơi để thăm dò, mặc cả về giá.
Việc bố trí nhân sự của TKV đôi khi không hợp lý. Có cán bộ trực tiếp thực hiện xuất khẩu than đã không trung thực, bị kiến nghị cho thôi việc ở công ty mẹ thì lại điều xuống làm trưởng phòng xuất-nhập khẩu ở dưới công ty con...
Phong trào đẩy mạnh xuất khẩu than như vậy đã dẫn tới tình trạng bị lợi dụng: có hợp đồng xuất khẩu than được ký với giá thấp hơn cả giá thành khai thác, tiền thưởng rót than nhanh thì chia cho một nhóm nhỏ các cá nhân, còn tiền phạt rót than chậm thì đưa vào lỗ chung của toàn ngành, v.v.
Giá bán than xuất khẩu do doanh nghiệp tự quyết định không có sự quản lý chặt chẽ. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới WB (tại cuộc hội thảo tại Hà Nội về Phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam), giá than xuất khẩu của Việt Nam nếu quy đổi ra cùng một đơn vị nhiệt năng, vào cùng một thị trường chỉ bằng 2/3 so với giá của Úc.
Nếu “lấy hiệu quả kinh tế-xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư” như Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của Bộ Chính trị đã nêu, có thể nói các quyết định đầu tư của TKV có liên quan đến tăng sản lượng khai thác than và tăng khối lượng than xuất khẩu trong thời gian hơn chục năm qua là không có căn cứ.
Còn nữa
Nguồn than xuất lậu chủ yếu của TKV
Theo báo cáo mới nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, ngoài số than trôi nổi do dân khai thác, thu gom (số lượng không đáng kể), than xuất lậu chủ yếu từ hai nguồn:
- Nguồn than từ các đơn vị, doanh nghiệp của TKV bán trái phép ra ngoài. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng qua những vụ án liên quan đến nội bộ TKV do Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, khởi tố từ năm 2008 đến nay cho thấy, tình trạng thông đồng, móc ngoặc giữa các lái xe với lực lượng bảo vệ mỏ, cán bộ KCS (kiểm tra chất lượng), nhân viên giám định, thủ kho, quản lý cân điện tử... diễn ra thường xuyên và khá phổ biến (xảy ra ở nhiều Cty than như: Dương Huy, Nam Mẫu, Núi Béo, Việt-minđô, Uông Bí, Cty Kho vận Cẩm Phả...).
Điều này thể hiện quy trình quản lý, giám sát của nhiều doanh nghiệp thuộc TKV rất lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các đối tượng bên ngoài thông đồng, mắc ngoặc với cán bộ, nhân viên trong đơn vị để lấy than bán ra ngoài.
Nguồn than tiêu thụ nội địa nhưng đã được các đối tượng hợp pháp hoá và tìm cách xuất lậu đi Trung Quốc. Do những sơ hở, bất cập trong cơ chế tiêu thụ than cuối nguồn (than bán lòng vòng qua quá nhiều trung gian mới đến người sử dụng); việc thẩm định và kiểm duyệt bán than cho các doanh nghiệp tư nhân trực tiếp sử dụng lỏng lẻo... dẫn đến một lượng than lớn mang danh tiêu thụ nội địa nhưng được mua bán lòng vòng (trên hoá đơn, giấy tờ) để hợp pháp hoá nguồn than.
Sau đó, thông qua các công ty thương mại được cấp phép xuất khẩu than bằng đường tiểu ngạch đi Trung Quốc.
Phát biểu trên báo chí, một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn than bị xuất lậu, thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.