Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đang khám cho bệnh nhân Đồng Thị Xoan.
Ảnh: Thái Hà.
Viêm phổi không rõ nguyên nhân tấn công thai phụ
Tại phòng cách ly đặc biệt của Khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư) đang điều trị cho bệnh nhân Đồng Thị Xoan (19 tuổi, ở Hải Phòng), mang thai ở tuần thứ 24. Thân hình chị Xoan nhỏ thó, gương mặt không biểu hiện gì của sự sống nếu không có đống dây rợ lằng nhằng nối từ chiếc máy thở vào mũi và họng bệnh nhân.
Bệnh nhân Xoan nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, chụp Xquang thấy hai phổi tổn thương, trắng mờ. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Phó trưởng khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực cho biết, bệnh nhân được điều trị bằng phương thức APRV, là một dạng thở máy mới nhất có sử dụng thuốc an thần, giãn cơ giúp bệnh nhân có thể tự khạc đờm để giảm tắc nghẽn đường hô hấp, đỡ tổn thương phổi và có thể tự rặn đẻ nếu trở dạ bất ngờ.
Ở phòng điều trị bên cạnh, bệnh nhân Nguyễn Thị Mỹ Linh (23 tuổi, ở Hà Nội) đang dần hồi phục sau khi vượt qua cơn bệnh nguy hiểm. Bệnh nhân này nhập viện khi đang mang thai tuần thứ 34 trong tình trạng tổn thương phổi rất nặng. Trong một tuần các bác sĩ đã làm mọi xét nghiệm nhưng không phát hiện bệnh nhân mắc viêm phổi do căn nguyên nào. Tới tuần 35 của thai kỳ, bệnh nhân bất ngờ trở dạ sinh bé trai nặng 1,7kg. Ngay sau đó trẻ sơ sinh được đưa sang điều trị sinh non tại Bệnh viện Nhi T.Ư và phát triển tốt.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết những bệnh nhân này đều nhập viện trong tình trạng suy đa phủ tạng, huyết áp kẹt (không đo được) đặc biệt là suy hô hấp rất nặng, hai phổi trắng xóa, nguy cơ tử vong cao. Tất cả bệnh nhân này đều được đặt nội khí quản và thở máy ngay lập tức. Xét nghiệm khí máu cho thấy bệnh nhân đều thiếu ôxy hóa máu. Theo bác sĩ Hà, đây là triệu chứng viêm phổi nặng do suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).
Nhiều lần xét nghiệm nhưng tất cả những bệnh nhân này đều cho kết quả âm tính với cúm và không tìm được căn nguyên gây bệnh. Y văn thế giới ghi nhận bệnh nhân có triệu chứng ARDS có tỷ lệ tử vong cao tới 30-60%. Trước đó các bác sĩ bệnh viện từng điều trị cho những bệnh nhân viêm phổi nặng nhưng đều biết căn nguyên (do virus H5N1 hay H1N1 gây ra). Đây là lần đầu tiên điều trị bệnh viêm phổi nặng mà chưa tìm ra căn nguyên.
Các bác sĩ phải điều trị cho bệnh nhân theo kiểu bao vây, tức là điều trị các triệu chứng của bệnh. Khó nhất đối với những bệnh nhân mang thai là vừa cứu sống được sản phụ vừa đảm bảo cho thai phát triển an toàn. Hiện chỉ còn một thai phụ đang phải thở máy, hai thai phụ khác tiến triển bệnh theo hướng hồi phục dần. Cả ba bệnh nhân nói trên đều nhập viện muộn nên việc lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tìm virus rất khó.
Lây nhiễm chéo các bệnh
Thời tiết thất thường những ngày vừa qua khiến số trẻ nhập viện vì viêm đường hô hấp khá cao. Trong số nhiều trẻ bị tử vong có không ít trẻ tử vong do viêm phổi cộng với bội nhiễm hội chứng ARDS, tức là hội chứng lây nhiễm chéo các bệnh trong môi trường bệnh viện bị ô nhiễm.
Hành lang trước các khoa, phòng của Bệnh viện Nhi T.Ư hầu như lúc nào cũng có đông người chờ thăm khám hoặc chờ nhập viện điều trị cho con. Trong một vài tháng trở lại đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về đường hô hấp trong đó có viêm phổi gia tăng nhanh chóng. Ở khoa hô hấp, số trẻ nằm điều trị trong một tháng lên đến khoảng 800 cháu, đa phần trong độ tuổi từ ba đến năm tháng tuổi.
Hai bệnh thường gặp ở các bệnh nhi là viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản cấp và hen phế quản. Trong số này có không ít các cháu bé đã phải nằm viện nhiều lần từ khi mới lọt lòng. Nhập viện trong tình trạng bị viêm phổi, sau một thời gian điều trị nhưng không khỏi, nhiều cháu bé lại phải chuyển xuống điều trị tại những khoa nặng hơn như khoa Hồi sức cấp cứu.
Điều đáng lo ngại là trong quá trình khám và điều trị từ thực tế, các bác sĩ nhận thấy rất nhiều trường hợp khi đến viện bệnh đã diễn biến nặng hoặc thậm chí là vừa mới mắc bệnh nhưng bệnh tiến triển rất nhanh. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều cháu bé vừa mới nhập viện đã phải thở ô xy.