Xử trí khi bị kiến ba khoang đốt

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương thường xuyên phải tiếp nhận hàng chục bệnh nhi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang mỗi ngày, chứng tỏ dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Nếu biết cách xử trí nhanh khi bị kiến ba khoang đốt có thể giảm tổn thương cho cơ thể.
Ảnh minh họa: Internet

Kiến ba khoang có kích thước nhỏ bằng hạt gạo, có cánh, bụng nhọn màu đen và có một khoang màu đỏ. Cơ thể loài kiến này chứa chất pederin, có độc tính cao gấp 12-15 lần rắn hổ. Dù liều lượng nhỏ không đủ để gây chết người nhưng chất độc này có khả năng gây viêm nhiễm, thối rữa da người. 

Biểu hiện của thương tổn do kiến ba khoang là những nốt ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, các vết loét nông. Ban đầu, da có thể rát bỏng, sau đó là đau nhức nếu bị nhiễm trùng.Thực tế, kiến ba khoang không có tập tính đốt người. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm da là do người dân dùng tay không giết kiến, sau đó vô tình chà xát hoặc gãi lên các vùng da khác. 

Chính vì vậy, khi thấy kiến bò trên người, người dân phải thổi nhẹ để kiến bay xuống đất, sau đó dùng giấy để giết kiến. Nếu lỡ tay đập kiến, cần phải rửa tay bằng xà phòng ngay lập tức.

Trường hợp xuất hiện biểu hiện viêm da tiếp xúc, bệnh nhân cần rửa nước muối sinh lý 3-4 lần/ngày, sau đó bôi các thuốc làm dịu da như hồ nước, hồ Tetrapred, dung dịch yaris. Trường hợp bôi thuốc xong mà tổn thương vẫn lan rộng, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các trung tâm chuyên khoa da liễu để được điều trị kịp thời.

Cách tốt nhất để phòng tránh kiến ba khoang là giữ gìn vệ sinh nơi ở, giường, chiếu, chăn, gối để kiến không có nơi cư trú; luôn mắc màn trước khi đi ngủ; chú ý kiểm tra quần áo, khăn mặt, chăn, chiếu trước khi mặc và sử dụng.

Theo Pháp luật Việt Nam