Xử lý bác sĩ 'vòi' tiền bệnh nhân ung thư

TP - Ngày 20/3, trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở đang xem xét đình chỉ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ N.L.M.T, người có hành vi "vòi" tiền bệnh nhân ung thư máu.
Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM, nơi xảy ra sự việc bác sĩ “vòi” tiền người bệnh Ảnh: Văn Minh

Sự việc được phát giác khi một bệnh nhân ung thư cầm dao đi tìm bác sĩ N.L.M.T hỏi chuyện, gây náo loạn Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM vào ngày 14/3. Nguyên do là vị bác sĩ này nhiều lần nhận tiền để “điều trị riêng” nhưng không thực hiện như lời hứa.

Nhận tiền của 15 người bệnh

Sau sự việc, lãnh đạo bệnh viện yêu cầu bác sĩ T giải trình. Bác sĩ T thừa nhận có nhận tiền của 15 bệnh nhân từ cuối năm 2018 đến nay, tổng số tiền 81 triệu đồng.

Bác sĩ T hứa sẽ làm xét nghiệm, chích một loại thuốc giảm đau, kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Nhiều người bệnh tin tưởng đã nhiều lần đưa tiền cho bác sĩ T. Tuy nhiên, khi nhận tiền xong, vị bác sĩ này không cung cấp bất kỳ loại thuốc hay xét nghiệm nào như đã hứa.

Việc bác sĩ T có thể thực hiện được hành vi lừa dối người bệnh là do phần lớn những người bệnh này ở khu điều trị tổng hợp. Những bệnh nhân ung thư này được tiên lượng không có khả năng điều trị triệt để theo phác đồ.

Đình chỉ công tác để xử lý

 
Trao đổi với PV, ông Phù Chí Dũng - Giám đốc BV Truyền máu huyết học TPHCM cho biết, bệnh viện đã đình chỉ công tác bác sĩ N.L.M.T.

Theo ông Dũng, bác sĩ này là cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, công tác tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học theo hợp đồng hợp tác thực hành viện - trường từ năm 2012.

Trước khi xảy ra sự việc, bác sĩ T được phân công công tác khám chữa bệnh tại khu Điều trị tổng hợp trực thuộc khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực của bệnh viện.

Bệnh viện cũng đã kiểm tra và nhận thấy rằng đây là vi phạm cá nhân của bác sĩ T, không liên quan đến cá nhân hay tập thể nào khác trong bệnh viện.

Hiện bệnh viện đã liên lạc với số người bệnh trong danh sách mà bác sĩ T khai nhận để xin lỗi và hoàn trả lại tiền.
Đến nay bệnh viện đã hỗ trợ hoàn trả cho ba người bệnh với tổng số tiền lên đến 48,5 triệu đồng và vẫn tiếp tục thông báo, hoàn trả cho những ca còn lại. 

“Chúng tôi cũng tiến hành thông tin đến người bệnh bằng nhiều hình thức như màn hình truyền thông, tin nhắn sms… về quy trình khám chữa bệnh, về việc thu phí công khai tại quầy thu phí, có biên nhận thu tiền rõ ràng, người bệnh không nên đưa tiền trực tiếp cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào trong và ngoài bệnh viện. Bệnh viện cũng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra các hoạt động khám chữa bệnh, tránh xảy ra tiêu cực trong bệnh viện đồng thời thông tin cho người bệnh cùng giám sát”, ông Dũng thông tin.

Lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM thừa nhận bệnh viện cũng có một phần trách nhiệm vì đã không kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi sai trái của bác sĩ T. 

PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho biết đã tạm đình chỉ công tác giảng dạy đối với bác sĩ T.

Có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Luật sư Lê Quang Vũ (Giám đốc Hãng Luật Công Bình, Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, theo như sự việc báo chí phản ánh thì hành vi của bác sĩ T không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp bác sĩ mà còn có dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung chiếm đoạt tài sản trên 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.