Xót xa những góa phụ trẻ vụ 6 người chết thảm
> Hé lộ nguyên nhân thảm kịch khiến 6 người tử vong
> Sáu người chết ngạt tại nhà máy dầu cá
Họ là những người vợ trẻ, có người lấy chồng đã 8 năm, cũng có người mới có 5 năm làm vợ; giờ đây họ cùng chung cảnh vợ góa con côi.
“Không tìm được người nào như anh ấy”
Chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Kim Hồng, vợ của giám đốc Mai Hữu Tôn, người vừa mất trong vụ tai nạn thương tâm tại nhà máy tinh luyện mỡ cá IDI. Chị nhìn chúng tôi với đôi mắt u sầu, cơ thể đã không còn đứng vững sau mất mát quá lớn. Trong làn nước mắt, chị nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe về người chồng mà theo chị là "không thể tìm đâu được một người tốt như thế".
Anh Mai Hữu Tôn là con trai duy nhất trong một gia đình nghèo tại huyện Lấp Vò, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc chạy xe ôm và đi làm thuê của cha anh. Hiểu rõ sự khó khăn của gia đình, từ nhỏ đến lớn anh luôn cố gắng phấn đấu không ngừng để vươn lên, luôn là một đứa con ngoan, một cậu học trò giỏi. Anh đã xuất sắc đậu Đại học Bách Khoa TPHCM với số điểm rất cao. Từ đây mối tình giữa chàng sinh viên Bách Khoa và nàng sinh viên Đại học Tự Nhiên chớm nở.
“Chúng tôi yêu nhau khi mới năm nhất sinh viên, ai cũng nghĩ cuộc tình này sẽ không có được kết quả lâu dài, nhưng chúng tôi đã bên nhau 13 năm. Những năm học đại học, anh ấy luôn đi dạy kèm để có thể gánh vác việc học hành của mình, anh ấy không bao giờ dám lãng phí một đồng tiền nào, vậy mà dám mua một chiếc nhẫn vàng để tặng tôi với lời hứa sau này nhất định sẽ đeo vào tay tôi chiếc nhẫn giá trị hơn. Dù chỉ là một chiếc nhẫn vàng tây rất nhỏ nhưng tôi đã bật khóc và tôi biết rằng từ đây cuộc đời tôi chắc chắn sẽ có anh song hành. Không ngờ…”, chị nức nở.
Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng giỏi, anh xin ngay được một công việc như ý trên đất Sài Gòn. Lúc đó công ty có ý định đưa anh ra làm kỹ sư trưởng ngoài Hà Nội với mức lương rất cao nhưng nghĩ đến gia đình, anh quyết định xin nghỉ việc trở về quê hương Đồng Tháp, xin vào làm kỹ sư ở Công ty IDI với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Năm 2008, anh chị kết hôn và hai năm sau đó họ có cô con gái đầu lòng. Tình yêu của họ theo thời gian càng thêm mặn nồng.
Ngày nghe tin anh ra đi, trời đất như quay cuồng dưới chân, chị không dám tin đó là sự thật. Chị sẽ không còn được nghe tiếng anh âu yếm gọi “bà xã ơi, bà xã”, sẽ không được nhìn thấy anh cõng trên lưng đứa con thơ mà anh luôn gọi là “cục vàng của bố”, cũng không còn thấy anh dang tay ôm người mẹ già những lúc đi làm về.
Mỗi lần đứa con thơ chưa tròn ba tuổi hỏi “mẹ ơi ba đâu rồi?” là tim chị như thắt lại. Chị luôn nói với con bố đi công tác xa chưa về, vậy mà ngày thi thể anh được đưa vào quan tài, con bé khóc thét lên xô đẩy mọi người, không cho đặt anh vào. Lúc nào bé cũng đứng bên quan tài hát ru cho cha... Nhìn đứa con thơ ngồi ngay trên mộ cha ăn chè và hỏi “bố con đâu rồi?”, người cứng rắn mấy cũng chẳng thể cầm lòng.
Căn nhà mơ ước mới xây xong…!
Chị Mai Lương Bích Ngọc, vợ anh Lâm Thanh Phong, nạn nhân đầu tiên trong vụ tai nạn, thổn thức khi nói đến cái chết của chồng. Anh mất đi khi căn nhà mơ ước mà anh chị chắt chiu bao năm vừa xây xong. Trong ngôi nhà đó giờ chỉ còn chị với hai con nhỏ.
Anh chị quen nhau khi đi học cao học, anh là chàng kỹ sư trẻ từ Nam Định vào, còn chị là cô giáo dạy Hóa của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (An Giang). Họ cưới nhau đã 8 năm và có hai con một trai, một gái.
Chị chia sẻ: “Với tôi anh là một người chồng tuyệt vời, luôn quan tâm, chia sẻ mọi vui buồn. Anh là người bố rất yêu con, đi làm thì thôi, về đến nhà là lại ôm hôn con suốt”.
Ngày anh ra đi, đến 2h chiều chị mới được người trên công ty đến báo tin. Lúc đó chị cứ đứng sững không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ khi nghe tiếng khóc thảm thiết của cậu con trai đầu, chị mới cảm nhận nỗi đau đang giằng xé. Nhìn đứa con trai mới 6 tuổi đội khăn trắng đứng chịu tang cha, chị nghẹn ngào...
Đọc trên báo thấy bên công ty nói lỗi ban đầu là do sự bất cẩn của anh Phong, chị càng đau lòng. Chị Ngọc chia sẻ, là vợ chồng bao nhiêu năm, chị hiểu rất rõ tính anh Phong, rất cẩn thẩn và có trách nhiệm. Trước khi làm trưởng phòng kiểm nghiệm tại IDI, chồng chị có nhiều năm kinh nghiệm làm kỹ sư kiểm nghiệm tại Công ty Domesco Đồng Pháp nên anh hiểu rất rõ về công việc cũng như an toàn lao động. Anh Phong cũng hiểu rất rõ nguy hiểm của việc bước xuống bồn chứa dầu bởi vậy anh lúc nào cũng dặn dò 2 nhân viên của phòng mình khi đi lấy mẫu vật không được bước xuống bồn chứa. Chị Ngọc hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm có câu trả lời chính xác để chồng chị và những nạn nhân khác được yên nghỉ.
Theo Dân trí