Liên quan đến thông tin một người dân đào được đá quý ở khu vực bãi Bưởi, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) bán với giá vài tỷ đồng, PV Infonet đã liên lạc với ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để tìm hiểu thêm thông tin.
Ông Dương cho biết, quản lý khoáng sản là trách nhiệm chung của cả địa phương và các Bộ ngành, trong đó có Bộ TN&MT và Tổng cục Địa chất và khoáng sản.
Viên đá có giá gần 4 tỷ đồng gây xôn xao dư luận khiến đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang vào cuộc kiểm tra.
Vì thế, khi có thông tin báo chí nêu, Tổng cục đã cử một đoàn của Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đi Yên Bái để kiểm tra. Sau khi về sẽ đánh giá lại vùng đó có khả năng sinh quặng như người ta nói hay không.
“Phải kiểm tra và đánh giá lại bằng cơ sở khoa học. Câu chuyện đó có thật hay không. Khi có cơ sở khoa học đánh giá vùng đó có khả năng sinh ra đá quý thì sẽ có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt là ở địa phương”, ông Dương cho hay.
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Chính phủ đã quy định người đứng đầu các địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản.
Trước đó, sau khi xuất hiện thông tin, có người đào được viên đá quý có giá trị lên tới 4 tỷ đồng, hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đổ xô lên khu vực bãi Bưởi, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đào đá quý, với hy vọng đổi đời.
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo huyện Lục Yên cũng xác nhận, tin đồn người dân bán đá quý tiền tỷ là có thật, một nhóm người dân trong xã bán viên đá quý màu xanh, cho một dân buôn đá với giá 3,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi về, xẻ viên đá này ra thì giá trị lại không được như vậy.
Trước việc người dân đổ xô đào đá quý, chính quyền địa phương đã lập các chốt chặn, ngăn người dân ra bãi đào đá.
Huyện Lục Yên – tỉnh Yên Bái được biết đến là một trong những khu vực có nhiều mỏ đá quý ở Việt Nam. Trong đó, đá Ruby, sapphire, spinel là những loại đá nổi tiếng và có giá trị lớn nhất được tìm thấy ở đây.