Xoài Sơn La lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn

Đặc sản xoài Sơn La bắt đầu bán trên sàn thương mại điện tử Postmart từ hôm 28/5, giúp sản phẩm nhanh chóng tiếp cận với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh.

Hội nghị "Bàn giao sản phẩm Xoài Sơn La theo thỏa thuận tiêu thụ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và thương mại điện tử năm 2021" được tổ chức bởi UBND tỉnh Sơn La.

Tại sự kiện, thoả thuận hợp tác giữa đại diện UBND tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn Postmart.vn) và sàn thương mại điện tử Shopee đã được ký kết. Thoả thuận hướng tới mục tiêu hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, các kênh bán hàng truyền thống gặp khó khăn.

Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác giữ UBND tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại, sàn TMĐT Shopee và Vietnam Post ( sàn TMDT Postmart). Nguồn: Vietnam Post

Sau vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn, dứa (Bắc Giang), hành tím (Sóc Trăng)..., hai loại đặc sản là xoài Yên Châu và mận hậu Sơn La đã chính thức được đưa lên bán trên Postmart.vn. Theo đại diện đơn vị, toàn bộ các sản phẩm đều được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đảm bảo chất lượng.

Thông qua Postmart.vn, nhiều nhà cung cấp có cơ hội chủ động giới thiệu về đặc sản mang tính vùng miền và thương hiệu riêng của hộ gia đình đến người tiêu dùng.

"Vietnam Post cam kết sẽ khẩn trương đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương lên sàn thương mại điện tử, đồng thời hoàn thiện một hệ sinh thái khép kín để đồng hành cùng người dân chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn", đại diện Vietnam Post khẳng định.

Bưu điện Việt Nam cùng nông dân Sơn La tiêu thụ xoài tới kì thu hoạch. Nguồn: Vietnam Post

Sàn thương mại điện tử Postmart.vn do Vietnam Post xây dựng. Để thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa trên sàn Postmart.vn, đơn vị cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động của các các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, các phầm mềm quản lý kho, điều tin thông minh, hiện đại và tự động hóa..., thực hiện vai trò đơn vị trung gian thanh toán. Trước đó, Vietnam Post đã được Ngân hàng nhà nước cấp phép là trung gian thanh toán với nền tảng Vietnampostpay.

Ngoài ra, đại diện Vietnam Post cho biết đơn vị sẽ khai thác tối đa lợi thế về logistic, kho bãi, mạng lưới vận chuyển chuyên nghiệp để đưa nông sản đi thẳng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Qua đó giảm chi phí tài chính, giá thành sản phẩm và tiếp cận được nhiều khách hàng là người tiêu dùng trực tiếp.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, Trong vòng 1 tuần qua, Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ tiêu thụ hàng chục tấn nông sản của bà con nông dân tại nhiều địa phương trên cả nước.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, việc đưa các sản phẩm địa phương lên sàn thương mại điện tử còn gặp nhiều thách thức như năng lực về thương mại điện tử của các hợp tác xã, bà con nông dân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin còn thiếu, đặc biệt những kỹ năng về tư vấn, chăm sóc khách hàng hay đánh giá xu hướng tiêu dùng, thị hiếu thị trường.

Bưu điện Việt Nam bố trí xe chuyên ngành tải trọng lớn để vận chuyển hàng nhiều tấn xoài nhanh chóng đi tiêu thụ khi đã đến kỳ thu hoạch.Ảnh: Vietnam Post

"Cục Xúc tiến Thương mại sẽ đẩy mạnh hợp tác với các sàn thương mại điện tử để vừa kết hợp nâng cao năng lực chuyên môn, vừa từng bước hỗ trợ tiêu thụ hiệu qủa cho các địa phương thông qua kênh này", đại diện Cục Xúc tiến Thương mại

Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, Cục Xúc tiến Thương mại đang lên kế hoạch phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream).

Trong đó, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ phối hợp với Vietnam Post, đào tạo tập huấn bà con nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng qua livestream, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Các chương trình đào tạo nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó, sẽ tổ chức sản xuất được hiểu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.