Khi chúng ta tập luyện thể thao, trái tim cũng tập luyện, đưa dòng máu chứa đầy dưỡng khí đến cung cấp cho những cơ quan trong cơ thể hoạt động và cả chính nó. Nhưng để giữ cho trái tim “đẹp”, tập luyện thể thao vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn thế.
Tại sao phải như vậy? Bệnh lý mạch vành và đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) cướp đi mạng sống của nhiều người hơn so với tất cả bệnh ung thư gộp lại. Và nguyên nhân nền tảng của những bệnh lý đó chính là xơ vữa động mạch.
Xơ vữa động mạch, có thể được ví như sự xơ hay chai cứng của động mạch, là hậu quả của những mảng mỡ đóng trong thành các động mạch. Theo thời gian chúng lớn dần lên, gây hẹp lòng động mạch, làm cản trở dòng máu lưu thông, ảnh hưởng đến lượng máu cung cấp cho vùng do động mạch đó đảm nhiệm.
Tình trạng này nếu xảy ra ở tim thường được gọi là thiểu năng vành hay bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.
Nếu mảng xơ vữa vỡ ra gây tắc ở não, bạn sẽ bị đột quỵ. Nếu nó xảy ra ở ngay chính trái tim của bạn, khi đó một hoặc hai động mạch vành nuôi trái tim bị tắc nghẽn, không cung cấp đủ máu cho trái tim hoạt động, một vùng của trái tim bị chết đi, nhồi máu cơ tim xuất hiện, trái tim không còn đủ khỏe để bơm máu. Nặng hơn tim sẽ ngưng đập vĩnh viễn.
Và nếu bạn là nam giới, xơ vữa động mạch chính là nguyên nhân của rối loạn cương dương, gây những phiền toái thật sự trong đời sống gia đình. Chắc hẳn không ai trong chúng ta muốn rơi vào hoàn cảnh như vậy. Làm thế nào để phòng ngừa? Sau đây là những biện pháp rất hữu ích.
Những con số đặc trưng để giữ sức khỏe 035 140 530
0 Không hút thuốc.
3 Đi bộ 3km mỗi ngày hay 30 phút bất kỳ hoạt động vừa phải.
5 Phần trái cây và rau quả một ngày.
140 huyết áp tâm thu thấp hơn 140 mmHg.
5 Cholesterol toàn phần < 5 mmol/L.
3 LDL cholesterol < 3 mmol/L.
0 Tránh quá cân và đái tháo đường.
1. Tập thể dục: là bước khởi đầu quan trọng nhất. Hãy ngồi dậy khỏi giường và bước ra khỏi nhà, khởi đầu ngày mới bằng 30 phút đi bộ nhanh, chạy bộ hay đạp xe đạp.
Trước khi lên kế hoạch tập luyện thể dục cho bản thân, bạn nên đến bác sĩ kiểm tra tổng quát xem cơ thể trong tình trạng như thế nào, thảo luận với bác sĩ để thiết lập một chương trình hợp lý cho bạn nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
2. Chế độ ăn bổ dưỡng: bổ dưỡng không phải là các thức ăn nhiều đạm hay nhiều năng lượng, mà là chọn những thực phẩm có lợi cho trái tim của mình. Không nên lạm dụng bất kỳ loại thực phẩm nào, mà cân bằng các loại thực phẩm với thành phần chính là các chất bột và rau quả.
Ăn vừa phải, điều độ và ăn sao cho “sạch” và “xanh”. Sạch có nghĩa là dùng những thức ăn không chứa các chất gây hại cho cơ thể và xanh là ăn nhiều thành phần rau xanh và trái cây.
3. Không hút thuốc lá: luôn là một hành động đúng và dũng cảm! Bảo vệ trái tim của bạn, bảo vệ trái tim của gia đình bạn và bảo vệ trái tim của cả cộng đồng.
4. Luôn kiểm tra huyết áp và lượng cholesterol trong máu. Bạn cần có ý thức kiểm tra huyết áp của mình để giảm tải cho trái tim, kéo dài được tuổi thọ và duy trì chất lượng của trái tim. Phát hiện kịp thời sự sụt giảm các cholesterol tốt (HDL-C) và sự gia tăng các cholesterol xấu (LDL-C), những biểu hiện của tiến trình xơ vữa động mạch.
Đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để yêu cầu được kiểm tra về huyết áp và các thông số mỡ trong máu. Bác sĩ sẽ là người quyết định bạn có chỉ định điều trị các thuốc làm tan mỡ trong máu hay không.
Trái tim là khối cơ quan trọng nhất! Nếu ta không biết cách chăm sóc tốt cho tim, nó sẽ ngừng chăm sóc ta.
Theo Tuổi trẻ
Chịu trách nhiệm với sức khỏe trái tim
Bệnh tim mạch gây tử vong nhiều nhất trên thế giới, cướp đi sinh mạng của 17,1 triệu người mỗi năm. Đặc biệt, thời gian gần đây bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa. Hậu quả là ngày càng nhiều người chết trẻ, vào độ tuổi năng suất lao động cao nhất.
Ngày tim mạch thế giới năm 2010 (26-9) với chủ đề “Môi trường làm việc lành mạnh: Hãy chịu trách nhiệm với sức khỏe trái tim của bạn”, Hiệp hội Tim mạch thế giới mong muốn nhấn mạnh tính cá nhân, ý thức trách nhiệm vì sức khỏe trái tim của mỗi người trong cộng đồng.
Bên cạnh chế độ ăn uống tốt, tập thể dục đều đặn, việc quan tâm đến các chỉ số sức khỏe, bạn có thể kiểm soát những yếu tố nguy cơ không tốt cho sức khỏe ngay trong môi trường làm việc bằng cách:
Xây dựng môi trường không thuốc lá: đảm bảo nơi làm việc 100% không thuốc lá. Cung cấp nơi hút thuốc tập trung, khuyến cáo mọi người phòng chống thuốc lá, tiến dần tới ngưng hút thuốc.
Luyện tập thể lực: tăng cường luyện tập ngay cả ở nơi làm việc, trong thời gian biểu làm việc của bạn. Nếu có thể thì đi thang bộ, luyện tập hay đi bộ sau bữa ăn trưa và khuyến khích mọi người cũng làm như mình.
Giải tỏa stress: stress được xem là yếu tố nguy cơ trực tiếp đến bệnh tim mạch và đột quỵ, Do vậy, bạn cần lấy thời gian ăn trưa tách khỏi công việc để tiếp nhận không khí trong lành; có thời gian nghỉ ngơi điều hòa trong ngày, cố gắng thư giãn hay tập luyện khoảng 5 phút, hai lần mỗi ngày.
Theo Tuổi trẻ