Xét nghiệm âm tính vẫn suýt chết vì sốt xuất huyết

TPO - BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, vẫn có trường hợp xét nghiệm âm tính với sốt xuất huyết, dù thực tế bệnh nhân có các biểu hiện của bệnh. Đây là một điều cực kỳ nguy hiểm bởi người bệnh có thể chủ quan, dẫn đến những biến chứng nặng nề, thậm chí đe doạ tính mạng.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại BV Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Nghi ngờ sốt xuất huyết, phải làm xét nghiệm trong 3 ngày liên tiếp 

Trường hợp của anh Vũ Quang H. (41 tuổi, Hà Nội) mắc sốt xuất huyết khá hiếm gặp. Ngày đầu tiên, bệnh nhân sốt rất cao, đau đầu dữ dội. Nghi ngờ sốt xuất huyết, ngày thứ 2, anh vào BV 108 để xét nghiệm.

Kết quả âm tính sốt xuất huyết, tiểu cầu ở mức 244.000 (trung bình 150.000-450.000). BS kết luận sốt virus, truyền 2 chai nước, cho đơn thuốc rồi về.

Do đang trong mùa dịch sốt xuất huyết nên BS chỉ định chỉ dùng hạ sốt giảm đau có chứa paracetamol, bù nước điện giải oresol, bổ sung vitamin C sủi, hoa quả..., chờ xét nghiệm lại.

Ngày thứ 3, anh H. hạ sốt, ăn uống bình thường trở lại. Đến ngày thứ 4 hết sốt, hết đau đầu, trở lại làm việc máy tính bình thường.

Ngày thứ 5, bệnh nhân khoẻ hơn, nhưng họng rát. Gia đình dùng dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà. Kết quả vẫn âm tính sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm còn 144.000.

Do chủ quan, nên sau đó anh H. không xét nghiệm lại. Các ngày thứ 6,7,8, anh H. trở lại sinh hoạt bình thường, họng hết đau.

Sáng ngày thứ 9 (1/9), khi đang đánh răng chuẩn bị đưa con đi học, miệng anh H. đầy máu, tất cả các chân răng ứa máu không thể cầm. Khi kiểm tra trên da, vợ anh H. phát hiện thêm các chấm nhỏ li ti.

Ngay lập tức anh H. được đưa vào viện 108. Kết quả, tiểu cầu hạ còn 9.000. BS chỉ định nhập viện khẩn cấp, phải dùng cáng khiêng. 

14h chiều cùng ngày, anh H. được truyền 3 bịch tiểu cầu, tuy nhiên do nhóm máu AB hiếm nên BV yêu cầu gia đình huy động thêm người thân, bạn bè đến hiến trực tiếp. 2 ngày sau, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, trên thực tế vẫn có trường hợp xét nghiệm âm tính với sốt xuất huyết, dù thực tế có các biểu hiện của bệnh.

Cụ thể, nếu xét nghiệm công thức máu trong 1-2 ngày đầu tiên, khi lượng virus trong máu chưa nhiều, một số trường hợp sẽ cho kết quả âm tính. Khi nghi ngờ, cần làm lại. Hoặc những bệnh nhân làm xét nghiệm ở ngày thứ 5-6, khi virus trong máu đã giảm, nồng độ kháng thể thấp thì cũng có thể cho kết quả âm tính.

Do đó BS Cấp khuyến cáo, những bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần làm xét nghiệm tiểu cầu trong 3 ngày liên tiếp, vào các ngày thứ 4-5-6 vì theo dõi biến chứng hạ tiểu cầu là phải theo dõi xu thế chứ không phải chỉ một thời điểm.

“Nếu ngày thứ 6, tiểu cầu vẫn có xu thế đi xuống thì ngày thứ 7 phải làm xét nghiệm lại. Còn nếu ngày thứ 4-5 thấp, thứ 6 bắt đầu tăng lên thì không cần làm nữa”, BS Cấp thông tin.

Phân tích thêm trường hợp của anh H., BS Cấp cho biết, bệnh nhân bị chảy máu chân răng do hạ tiều cầu xuống ngưỡng nguy hiểm mà không biết. Nguyên nhân do bỏ quãng xét nghiệm công thức máu.

Không nên kiêng vitamin C khi bị sốt xuất huyết

Bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) thể nhẹ có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ để được điều trị, ăn uống cho đúng. Trên thực tế có không ít trường hợp mắc bệnh SXH lại kiêng khem đủ thứ không cần thiết dẫn đến cơ thể đã bệnh lại thiếu chất, trong đó kiêng bổ sung Vitamin C vì cho rằng đồ chua không tốt là một ví dụ.

ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, việc bổ sung vitamin đều có hiệu quả, nhất là vitamin C giúp làm vững thành mạch, nên giảm tình trạng xuất huyết. Chính vì vậy, ThS. Cấp khuyến cáo người dân không cần kiêng C sủi hay nước chanh.

Đồng quan điểm, TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải – Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, khi bị bệnh SXH, người dân cần chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất vì nó tốt cho sức khỏe. Nếu cơ thể đủ chất, có sức đề kháng tốt, thì bệnh diễn biến nhẹ hơn, giảm biến chứng.

“SXH do virus gây ra thường có biểu hiện sốt rất cao, dễ gây mất nước. Ngoài sốt, còn xuất huyết, lo ngại nhất là bị sốc và giảm tuần hoàn. Điều đầu tiên khi bị sốt nói chung (và đặc biệt SXH) là cần bù nước, điện giải. Người bệnh cần phải uống nước, nước đun sôi để nguội, và tiếp đó là nước quả. Các loại quả như chanh, cam quýt chứa nhiều vitamin C, tăng đề kháng, làm bền thành mạch, giúp giảm thoát nước tương trong máu. Ngoài ra, nước dừa cũng rất là tốt”- ThS. Hải tư vấn thêm.