> Phá rừng làm thủy điện, chây ỳ nộp phí
Một số ý kiến cho rằng QH cần ra nghị quyết, tuy nhiên cũng có ý kiến là QH chỉ nên có ý kiến kết luận về vấn đề này là đủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị QH cần ra nghị quyết khẳng định sự tán thành của QH với Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, làm cơ sở giám sát việc thực hiện của QH.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại cho rằng, QH phải thảo luận cả đề án và báo cáo thẩm tra đề án một cách kỹ lưỡng.
“Chính phủ chuẩn bị tốt, đánh giá đầy đủ tác động thì QH ra nghị quyết là cần thiết, còn với đề án như hiện nay, việc ra nghị quyết là non”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu và cho rằng đề án vẫn còn khá chung chung.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Nghị quyết 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 đã đề cập rất rõ về tái cơ cấu nền kinh tế. Tại kỳ họp lần này, QH chỉ thảo luận, đóng góp ý kiến về đề án để Chính phủ tiếp thu, thực hiện.
Vấn đề đập thủy điện, đất đai
UBTVQH đề nghị, tại kỳ họp này, Chính phủ cần báo cáo về những vấn đề liên quan các đập thủy điện, quản lý, sử dụng đất đai trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012.
Một số thành viên UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ báo cáo về một số vấn đề khác như: Vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng - Hải Phòng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… “Đây là một vụ việc nóng, được nhân dân cả nước và dư luận ngoài nước hết sức quan tâm, liên quan đến vấn đề đất đai đang bức xúc hiện nay”, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ báo cáo để các đại biểu có thông tin đầy đủ về vụ việc ở Tiên Lãng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói rằng, vấn đề trật tự xã hội đang có những diễn biến phức tạp. Vì thế, tại kỳ họp này, cũng cần định hướng để đại biểu đóng góp giải pháp cho vấn đề này.
Bỏ phiếu tín nhiệm
Cùng ngày, UBTVQH thảo luận Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH. Về đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu, phê chuẩn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nếu qua bỏ phiếu, có vị không đạt, thì cá nhân hoặc cơ quan giới thiệu người đó cũng cần phải được xem xét trách nhiệm.
Theo dự thảo đề án, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số ĐBQH hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình QH miễn nhiệm hoặc cho từ chức.
Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng, người không đạt tín nhiệm cao có thể vì lý do chủ quan hoặc khách quan.
Công tác nhân sự rất phức tạp, liên quan các cơ quan đảng, nhà nước; không nên quy định cứng nhắc không đủ tín nhiệm là miễn nhiệm hoặc từ chức mà nên trình QH xem xét từng trường hợp cụ thể.
Quy chế, quy định về thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm đang được UBTVQH xây dựng để trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm nay. Tại phiên họp riêng chiều 5-5, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về vấn đề tư cách của ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến.