Xem xét công bố dịch bệnh chân tay miệng

TP - Trước tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) đang lan rộng, diễn biến phức tạp, ngay trong tuần này, Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng ký công điện khẩn gửi các tỉnh thành triển khai phòng chống bệnh TCM. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng sớm có chỉ thị về tăng cường phòng chống bệnh TCM, trong đó có xem xét công bố dịch tùy tình hình địa phương.

Dịch chồng dịch
> Bệnh chân tay miệng diễn biến phức tạp

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại Hà Nội có hơn 90 ca bị TCM, chủ yếu là trẻ em. Một số tỉnh thành phía Bắc như Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình, Bắc Giang cũng ghi nhận hàng trăm trường hợp bị TCM. Riêng tại tỉnh Hòa Bình đã có hơn 230 bệnh nhân nghi mắc TCM, qua xét nghiệm đã phát hiện 17 ca dương tính với virus gây bệnh TCM.

TS.Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù hiện này TCM đang dẫn đầu về số mắc và tử vong trong các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam nhưng vẫn trong tầm kiểm soát nên phác đồ điều trị mới ban hành tiếp tục có hiệu quả trong việc điều trị căn bệnh này.

Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, số người mắc TCM sẽ gia tăng, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhiều khả năng đỉnh điểm của dịch bệnh này sẽ bắt đầu từ tháng 9 tới tháng 11. Để hạn chế sự bùng phát của dịch, TS Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), kiêm Trưởng ban Tuyên truyền dịch bệnh cho biết, sẽ làm các thông điệp, tờ rơi hướng dẫn phòng bệnh tay chân miệng gần hơn với người dân thay bằng cách truyền thông chung chung, hô hào. Các bản tin, tờ rơi sẽ hướng dẫn cụ thể cũng như tư vấn cho người dân về bệnh TCM.

Liên minh Châu Âu (EU) vừa thông qua Ủy ban Châu Âu và Tổng vụ Cứu trợ nhân đạo và Bảo vệ dân sự dành khoản ngân sách 60.000 euro cho phòng chống dịch TCM tại Việt Nam. Số tiền này sẽ được dành để tuyên truyền phòng chống dịch cho người chăm sóc trẻ, học sinh tiểu học và giáo viên mầm non. 113.000 người tại 5 tỉnh thành (Thanh Hóa, Quảng Ngãi, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương) sẽ được tham gia chương trình.

* Hôm qua (17-8), Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong các trường học tại TP. Theo đó, ngành y tế huấn luyện cán bộ ngành y tế TPHCM về chẩn đoán và điều trị bệnh TCM từ tuyến TP đến tuyến phường - xã, thị trấn để sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị. Sở Y tế cũng giao Trung tâm Y tế dự phòng huấn luyện tất cả ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên y tế các trường học cách phòng, chống bệnh TCM cho trẻ. UBND TPHCM vừa chỉ đạo các sở - ngành và UBND 24 quận - huyện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM và sốt xuất huyết, chống lây lan trong cộng đồng, nhất là vào thời điểm năm học mới 2011-2012.

Theo Báo giấy