Với mục đích sản xuất giống cây chè Tuyết san trên địa bàn tỉnh, năm 2004 tỉnh Bắc Kạn sử dụng nguồn vốn 186 (vốn đầu tư của Chính phủ cho các tỉnh đặc biệt khó khăn) để xây dựng hai trại giống cây Kéo Nàng, xã Bản Thi (huyện Chợ Đồn) và Bản Chiêng, xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông). Từ khi được xây dựng xong (tháng 7/2004) đến nay trại giống vẫn để cỏ tranh và cây dại mọc um tùm, bỏ hoang.
Hai trại giống Bản Chiêng và Kéo Nàng do Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư, tổng vốn của hai công trình này khoảng 1,6 tỷ đồng, đó là chưa kể tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Đây là những trại giống được đầu tư khá hoàn chỉnh.
Được xây dựng xong tháng 7/2004, hai trại giống được giao cho Trung tâm giống cây trồng của tỉnh Bắc Kạn quản lý, sử dụng. Thế nhưng, do không có vốn để gieo ươm cây con nên đến nay hai trại giống có quy mô lớn này để cỏ tranh, cây dại mọc um tùm.
Nguyên nhân chủ yếu là do Trung tâm giống cây trồng của tỉnh Bắc Kạn không có vốn để ươm giống. Mặt khác, các dự án trồng chè Tuyết san trên địa bàn tỉnh đều do các lâm trường làm chủ đầu tư và tự sản xuất được giống.
Do không được đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục của hai trại giống đã có dấu hiệu xuống cấp, 3 trong tổng số 4 ngôi nhà tại trại giống Bản Chiêng đã bị tốc mái.
Trong khi hai trại giống kể trên chưa được đưa vào sử dụng thì năm 2005 tỉnh Bắc Kạn lại cho xây dựng một trại nữa tại xã Yên Cư (huyện Chợ Mới) với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 1 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, trước khi xây dựng các trại giống nêu trên thì ở tỉnh Bắc Kạn đã có trại giống của các lâm trường hoàn toàn có thể cung cấp đủ giống cho nhu cầu trồng chè Tuyết san trên địa bàn. Đồng thời, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh Bắc Kạn đã có trại giống nhưng chưa sử dụng hết diện tích.
Nhưng không hiểu vì lý do gì mà 3 trại giống nữa vẫn tiếp tục được xây dựng, vốn đầu tư lên tới 2,5 tỷ đồng để rồi bỏ hoang. Đây quả là một sự lãng phí lớn, trong khi đó nhiều công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh này chưa có vốn để đầu tư.