Xây dựng quy trình xử lý cấp bách sau sự cố hệ thống hải quan điện tử 'tê liệt'

TPO - Sau sự cố của hệ thống hải quan điện tử gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đề xuất xây dựng quy trình xử lý chung để đưa vào luật khi xảy ra các trường hợp cấp bách.

Tổng cục Hải quan đang lấy ý kiến về dự thảo quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa chịu sự giám sát hải quan trong trường hợp tất cả hệ thống gặp sự cố.

Dự thảo được đề xuất trong bối cảnh gần đây nhiều sự cố liên tục xảy ra với hệ thống hải quan điện tử gây ách tắc trong việc xử lý các tờ khai, hồ sơ của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Mới đây nhất, ngày 6/8, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và một cửa quốc gia gặp sự cố kỹ thuật. Sự cố được khắc phục vào ngày 7/8, song vụ việc này khiến các thủ tục hải quan phải chuyển sang làm thủ công bằng giấy tờ, làm tăng thời gian xử lý và gây ùn ứ hàng hoá ở khâu thông quan. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn lo lắng khi tình trạng này có thể tiếp tục xảy ra.

Theo Tổng cục Hải quan, việc xây dựng quy trình xử lý nhằm đảm bảo hướng dẫn các cán bộ, công chức thực hiện đầy đủ các bước nghiệp vụ trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.

Theo dự thảo quy trình, thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm 4 bước: Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai; kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan; kiểm tra thực tế hàng hóa; kiểm tra hoàn thành nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí.

Tổng cục Hải quan đề xuất xây dựng quy trình xử lý thủ tục cho các trường hợp cấp bách.

Dự thảo quy trình cũng đưa ra các hướng dẫn cụ thể về quản lý, hoàn chỉnh hồ sơ; đưa hàng về bảo quản; giải phóng hàng; khai sửa đổi, bổ sung; hủy tờ khai...trong bối cảnh hệ thống điện tử bị trục trặc.

Tại cuộc họp giao ban tháng 8 ngày 9/8 của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết, sự cố hệ thống hải quan điện tử dù được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải được nghiên cứu giải quyết đó là hành lang pháp lý cho xử lý các tình huống phát sinh vẫn còn thiếu.

Qua sự cố này, lãnh đạo Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính cho phép nghiên cứu bổ sung, sửa đổi nội dung liên quan đến cơ chế pháp lý, quy trình cho các trường hợp cấp bách, phân cấp giải quyết tình huống... để đưa vào Luật Hải quan. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đề nghị trước mắt được xây dựng một Thông tư mang tính dự phòng có thể áp dụng ngay.