Xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc

Chính quyền điện tử là Chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Hội nghị tham vấn định hướng và giải pháp xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hoá

Những lợi ích căn bản mà Chính quyền điện tử đã mang lại, đó là: Làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên; Người dân và doanh nghiệp được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa doanh nghiệp và người dân phải đến trực tiếp các cơ quan chính quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính…

Trong những năm qua trên cơ sở những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý quan trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT - xây dựng thành công Chính quyền điện tử, góp phần đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước.

Về phát triển hạ tầng Viễn thông-CNTT, hạ tầng viễn thông băng thông rộng, nền tảng cho triển khai xây dựng Chính quyền điện tử được triển khai đến 100% thôn, bản; Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP), được kết nối, liên thông với hệ thống của Quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã; Hệ thống một cửa điện tử hiện đại, đồng bộ được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã. Cổng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, công khai, minh bạch; Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc (TD-Office) được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử; Hệ thống hội nghị trực tuyến đã triển khai tại các điểm cầu, đang phát huy hiệu quả; Hệ thống phòng họp không giấy (Ecabinet) đang được triển khai tại các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện...

Người dân đến Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Thanh Hoá để giải quyết công việc

Về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, đến nay, 100% các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã điều hành, xử lý công việc trên Hệ thống TD-Office; và có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi căn bản, chuyển từ hình thức làm việc giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử trong cơ quan nhà nước; văn bản điện tử dần thay thế văn bản giấy, ước tiết kiệm chi phí hàng năm cho việc phát hành văn bản giấy của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên 30 tỷ đồng; thời gian gửi, nhận văn bản từ tỉnh đến xã chỉ còn tính bằng giây. Tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay đạt trên 97%.

Ứng dụng chữ ký số được quan tâm và đẩy mạnh sử dụng trong các cơ quan, đơn vị, đến nay 100% các cơ quan hành chính và lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được cấp chứng thư số phục vụ việc ký số văn bản, thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; ứng dụng CNTT trong xử lý, điều hành công việc; các dịch vụ công trực truyến mức độ 3, mức độ 4 đang phát huy hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong lãnh đạo, điều hành của các cấp, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, bão lụt, thiên tai.... Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá đọc đề dẫn tại Hội nghị tham vấn

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

Hiện nay đã cung cấp 281 DVC mức độ 3 và 177 DVC mức độ 4 lên cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi, cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; Đã tích hợp 239 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia ( xếp thứ 2, sau Hà Nội). Trong 9 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt trên 45,54%. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn luôn đạt trên 99%. Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và kết nối với Cổng thanh toán quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Quá trình triển khai dự án ứng dụng CNTT thường kéo dài qua nhiều năm, dẫn tới tình trạng thiếu đồng bộ; Nguồn nhân lực thiếu và yếu; Một số ứng dụng CNTT tự phát theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, từng đơn vị, dẫn đến khó khăn trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Việc kết nối với hệ thống thông tin các bộ, ngành Trung ương còn gặp nhiều khó khăn; Một số đơn vị chưa khai thác hiệu quả hạ tầng, ứng dụng CNTT, viễn thông hiện có; Một bộ phận cán bộ (nhất là người đứng đầu) các ngành, các cấp chưa nhìn nhận đúng vai trò của ƯDCNTT, nên chưa quyết tâm, gương mẫu trong ứng dụng CNTT vào công việc, ngại thay đổi thói quen từ xử lý văn bản giấy sang điện tử; công tác về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn hạn chế; Ứng dụng CNTT trong các ngành, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển trên địa bàn tỉnh còn hạn chế….

  Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai xây dựng chính quyền điện tử

Một là, môi trường pháp lý có vai trò quyết định. CNTT là một lĩnh vực mới, tốc độ phát triển nhanh, chưa có tiền lệ. Vì vậy, việc nhận thức đúng về vai trò của CNTT trong điều kiện phát triển hiện nay để kịp thời hoàn thiện môi trường pháp lý sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và ứng dụng CNTT, làm cơ sở để chính quyền các cấp chuyển từ hình thức làm việc giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử; nâng cao tỷ lệ tiếp nhận, xử lý TTHC dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh, góp phần tích cực đẩy mạnh CCHC, công khai, minh bạch, chống nhũng nhiễu, phiền hà, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Hai là, Hạ tầng CNTT phải đi trước một bước. Hạ tầng CNTT, các phần mềm dùng chung của tỉnh phải được quan tâm, đầu tư đồng bộ, hiện đại, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hạ tầng CNTT phải được đầu tư trước một bước, làm nền tảng để triển khai các ứng dụng trong các cơ quan nhà nước cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đầu tư cho CNTT đồng bộ, chi phí thấp nhưng mạng lại hiệu quả to lớn, góp phần CCHC, phòng chống tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng năng xuất lao động, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian và chi phí, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ba là, yếu tố con người quyết định thành công. Thay đổi môi trường làm việc từ giấy tờ truyền thống sang môi trường điện tử là công việc khó, phức tạp, ban đầu đa phần cán bộ rất ngại ứng dụng CNTT trong điều hành, xử lý công việc vì ứng dụng CNTT là mới và sẽ làm cho các hoạt động trong cơ quan nhà nước trở nên công khai, minh bạch hơn, khó tiêu cực, nhũng nhiễu. Chính vì vậy, hiệu quả của việc ứng dụng CNTT tại từng cơ quan, đơn vị phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm của người đứng đầu và vai trò của các bộ chuyên trách CNTT.

Bốn là, cách thức triển khai. Hạ tầng CNTT, các phần mềm dùng chung, các cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử phải được triển khai, đầu tư tập trung nhằm tiết kiệm tài nguyên, nhân lực, tiết kiệm trong đầu tư và triển khai nhanh, chi phí quản lý, vận hành, duy trì thấp, qua đó tạo thành hệ thống đồng bộ, thuận lợi cho việc kết nối, liên thông, khai thác, chia sẽ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin.

Năm là, thí điểm ở phạm vi hẹp trước khi nhân rộng. Lĩnh vực CNTT phát triển nhanh, chưa có mô hình chuẩn cho các đơn vị áp dụng. Chính vì vậy, cần ưu tiên lựa chọn những lĩnh vực, những giải pháp thiết thực để thí điểm trong phạm vi hẹp, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm, hoàn thiện để triển khai nhân rộng, đảm bảo hiệu quả.

Các giải pháp

        Nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử gắn với phát triển các dịch vụ đô thị thông minh trên cơ sở lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền điện tử; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Để đạt được mục tiêu trên, cần có các giải pháp:

Hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng phát triển Chính quyền điện tử. Tiếp tục rà soát, bổ sung ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định để hoàn thiện cơ sở pháp lý và đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh như Quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn về CNTT-TT đầu tư phát triển công nghiệp CNTT tại Thanh Hoá; cơ chế đối ứng thực hiện các đề tài khoa học của tỉnh cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt lĩnh vực CNTT-TT để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mũi nhọn về CNTT-TT. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin và an toàn an ninh thông tin giỏi làm việc cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng dùng chung, cơ sở dữ liệu của các ngành để xây dựng Chính quyền điện tử. Phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, triển khai mạng lõi viễn thông cấp vùng, liên vùng và phủ sóng thông tin di động 5G toàn tỉnh, kết nối băng rộng đến tất cả các doanh nghiệp, hộ gia đình. Phát triển Hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng Truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của tỉnh để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt 4 cấp chính quyền, sử dụng cơ chế mã hóa và công nghệ bảo đảm an toàn, an ninh. Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch thông tin của chính quyền cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế.

Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân trong quá trình phát triển Chính quyền điện tử tại địa phương tạo niềm tin cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ của chính quyền các cấp. Tập trung và chủ động triển khai các giải pháp nền tảng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đồng bộ, hiện đại; bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin, máy tính của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng của tỉnh kết nối, chia sẻ thông tin, số liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn.

Phát triển các Khu CNTT tập trung. Xây dựng chính sách, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, đầu tư của các doanh nghiệp trong nước vào lĩnh vực công nghệ cao, tập trung ưu tiên cho các công nghệ tạo ra sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao; các sản phẩm phần cứng, thiết bị, linh kiện điện tử, công nghiệp phần mềm, nội dung số. Trước mắt là, hoàn thiện các phân khu chức năng Khu Công nghiệp CNTT tập trung 7,35 ha tại Trung tâm Thành phố Thanh Hóa để tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp khởi nghiệp CNTT; tổ chức vườn ươm doanh nghiệp CNTT nhằm ươm tạo, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức có năng lực công nghệ và ý tưởng kinh doanh tốt.

Bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu triển khai Chính quyền điện tử tại địa phương. Tăng cường phổ cập kiến thức CNTT trong xã hội (đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa), góp phần nâng cao dân trí giúp người dân tiếp cận với các ứng dụng phổ cập và đem lại những lợi ích hữu hiệu cho người dân. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT; cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước của tỉnh. Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Xây dựng và triển khai Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đội ngũ chuyên gia giỏi lĩnh vực CNTT-TT, đảm bảo nhân lực cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm, dịch vụ mới.

 Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai, phát triển Chính quyền điện tử. Huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng Chính quyền điện tử theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành. Phấn đấu tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4: tối thiểu trên 50%. 100% thủ tục hành chính sẵn sàng đưa lên mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hướng dẫn các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao tiếp với cơ quan nhà nước tại địa phương thông qua hệ thống Chính quyền điện tử.