Yên Bái

Xã nghèo vùng cao Yên Bái làm giầu nhờ 'bưởi tiến Vua'

TPO - Được thiên nhiên ban tặng thổ nhưỡng quý báu và có công sức nhiều đời bảo tồn giống bưởi “tiến Vua”, người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái đã phất giầu với thu nhập lên tới 50 tỷ đồng/năm.
Lãnh đạo huyện Yên Bình thường xuyên xuống xã thăm hỏi và động viên người dân trồng bưởi

Đã từ lâu, xã Đại Minh nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc với đặc sản bưởi “tiến Vua”. Già làng thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh kể lại rằng cây bưởi Tổ ở thôn này đã có gần 300 tuổi. Hiện thôn Khả Lĩnh còn có tới 70 cây bưởi cổ ước đoán tuổi hơn 200 năm vẫn đều đặn năm nào cũng đơm hoa, kết trái. Loại quả quý được nhân giống ra trồng khắp vùng lân cận, nhưng chỉ có đủ hương vị thơm ngon đặc biệt khi được trồng trên chính đất Đại Minh. Và ít ai được biết rằng, Đại Minh từng là địa giới thuộc huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, nên giống bưởi Đoan Hùng danh tiếng đã được nhân giống từ chính gien quý của bưởi Đại Minh.

Bên gốc cây bưởi Tổ ở thôn Khả Lĩnh

Bên gốc cây bưởi Tổ, phóng viên Tiền Phong được ông Trần Quang Khải, người may mắn được gia tiên để lại vườn bưởi quý ngay cạnh đình làng Khả Lĩnh, kể rằng cây bưởi gần 300 tuổi này xanh lá, trổ trái bền bỉ từ nhiều đời cha ông từ đầu thế kỷ 18. Cây bưởi như cổ thụ có trái ngon tiến Vua từ ngàn đời, trải qua bao biến động của lịch sử, giờ vẫn khỏe khoắn lạ kỳ. Và từ cây bưởi này đã được nhân giống ra khắp thôn Khả Lĩnh, khắp xã Đại Minh tạo vùng đất bưởi tươi tốt rộng lớn.

Ngay trong khu vườn bưởi rộng tới 3.000m2 nhà ôngKhải có tới hơn 10 cây bưởi cổ vẫn vững vàng như những cây cốt nọc đầu đàn um tùm xanh tốt, quả trĩu nặng chà xuống ngang tầm người. Chỉ vào một góc vườn nhỏ hiện chưa thu hoạch để dành cho khách tham quan, ông Khải nói đã thu 130 triệu đồng.

Vùng bưởi Đại Minh.

Như làm chơi mà ăn thật, không phải dày công chăm sóc, nhà anh Hiệp bên thôn Quyết Tiến cũng có vườn bưởi được ông nội trồng từ trước Cách mạng 1945, giờ thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm. Thương lái đến tận vườn đặt cọc từ khi cây mới trổ quả xanh. Tại gốc giá bưởi chọn khoảng 17.000đ/quả, còn nếu mang xuống Hà Nội thì lên đến 45.000đ/quả. Hai vợ chồng anh Tuyến còn nuôi vài đõ ong lấy mật tăng thu. Anh bảo chính con ong còn giúp hoa bưởi thụ phán đầu xuân.

Từ năm 2012 về trước, cây bưởi ở Đại Minh chỉ như cây nhà lá vườn, người dân hái ăn và đãi khách dịp Tết như hương hoa làng xóm. Bưởi mất mùa hay được mùa không mấy ai quan tâm. Tỷ lệ đậu quả thấp, bưởi khô, kém mọng nước, độ ngọt giảm trong nhiều năm liên tục làm giảm năng suất và chất lượng, đã khiến người dân bỏ bê, không đầu tư chăm sóc, có hộ chặt bỏ chuyển sang trồng chè và cây lâm nghiệp.

Trước tình hình đó, chính quyền huyện Yên Bình đã mời các cơ quan nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh vào cuộc. Những đề tài khoa học nghiên cứu về bưởi Đại Minh đã được triển khai và tạo nên bước thay đổi đột phá. Công nghệ thụ phấn chéo cho bưởi đã cơ bản đã khắc phục được tình trạng mất mùa, cây cũng tăng cao năng suất, đậu nhiều quả.  Và người Đại Minh đã nhận thấy giống bưởi có gien quý này sẽ thay đổi xã nghèo vùng sơn cước Tây Bắc.

Quả bưởi có hương vị đặc biệt, hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều các vitamin và khoáng chất ở dạng vi lượng rất cần thiết cho cơ thể con người, ăn khi đói mà không cồn ruột. Quả bưởi từ khi hái xuống có thể bảo quản đến tháng 3- 4 tháng sau, và rất được người tiêu dùng ưa chuộng, gọi nó là đặc sản.

Nhờ tập trung vun trồng giống bưởi quý này, tỷ lệ nghèo của Đại Minh tụt xuống rõ rệt từng năm. Xã có 900 hộ thì có hơn 80% trồng bưởi, và giờ xã hiện chỉ còn 7% hộ nghèo. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Chủ tịch UBND xã, phấn khởi cho biết nhờ cây bưởi mà có tới 15 hộ thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm, 50 hộ thu nhập từ 200-300 triệu/năm, số còn lại khoảng 600 hộ thu từ 50-100 triệu đồng/năm. Và Đại Minh đã là một xã nông thôn mới từ năm 2016. Dân đã xây nhà tầng khang trang, mua ô tô, tự góp tiền làm đường, xây nhà văn hóa...

Chị Phan Thị Vân, cư dân ven vùng hồ Thác Bà, nhà ở cách xã Đại Minh đến 6km nhưng chị đã lập cơ sở thu mua bưởi Đại Minh với lượng vốn chi lên đến 20 tỷ đồng/năm, được coi là điểm tựa tin cậy tiêu thụ bưởi cho cả vùng. Chính chị đã đi đầu, kêu gọi các thương lái đặt cọc cho dân Đại Minh khi bưởi mới trổ quả từ cuối tháng Tư hằng năm, tạo điều kiện về kinh phí cho dân chăm bưởi. Chị đưa bưởi Đại Minh đi Quảng Ninh, đến với các siêu thị ở Hà Nội, vào Thanh Hóa, Nghệ An. Có ngày chị tiêu thụ từ 3-4 vạn quả. Chị cho biết đã mua đất trang trại gần hồ Thác và đưa cả giống bưởi quý sang đất Tuyên Quang, giờ đã cho thu hoạch quả rất ngon.

Anh Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Bình, cho biết huyện này đã tạo được vùng trồng bưởi đặc sản Đại Minh trên 430 ha, tập trung ở xã Ðại Minh 220 ha, xã Hán Ðà lân cận có 80 ha, còn lại ở các xã khác.

Cùng với việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bưởi thành vùng, huyện còn chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc áp dụng quy trình sản xuất chuẩn đối với cây bưởi, đồng thời, xây dựng các trang thông tin đáp ứng đầy đủ điều kiện cần thiết của Cục Sở hữu trí tuệ để được xác lập nhãn hiệu bưởi Đại Minh năm 2016.

Cơ sở thu mua bưởi Đại Minh tiêu thụ đến 3-4 vạn quả/ngày

Huyện Yên Bình đứa ra kế hoạch dài hơi với cây bưởi Đại Minh, đó là trong 3 năm tới, nâng diện tích trồng bưởi lên 1.000 ha và có nguồn giống cung cấp cho các xã, thị trấn, hộ dân thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả có múi (bưởi Đại Minh), coi là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện và thực hiện đề tài khoa học Quy hoạch phát triển kinh tế vùng hồ Thác Bà.

Trái ngon mang lại một cuộc sống sung túc cho người dân Đại Minh nên không ai có thể quên cội nguồn. Ai về Đại Minh đều ghé thăm và thắp nén nhang nơi đình làng Khả Lĩnh. Nơi đây, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến thăm đình làng này từ năm 2006, căn dặn người dân chăm sóc gìn giữ cây bưởi quý để nó sẽ là cây chủ lực làm giàu cho vùng đất khó.

Từ 11-16/11/2017, huyện Yên Bình tổ chức Lễ hội bưởi Đại Minh, không chỉ quảng bá đặc sản này, góp phần đưa Nhãn hiệu bưởi Đại Minh ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng, mà còn là ngày hội tôn vinh cây bưởi quý.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để huyện Yên Bình quản lý tốt hơn về chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua bộ nhãn hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng, biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Với việc bưởi Đại Minh được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm, bưởi Đại Minh sẽ có chỗ đứng trên thị trường cả nước.