Xã hội Việt Nam ủng hộ hôn nhân đồng tính đến đâu?

TP - Tỷ lệ 77% người ủng hộ pháp luật bảo vệ người đồng tính qua một khảo sát công bố hôm 13-12 có vẻ như là tín hiệu tích cực với cộng đồng người đồng tính Việt Nam nhưng chuyện không đơn giản như vậy.

> Tiếp tục đề nghị công nhận hôn nhân đồng tính
> Đang nghiên cứu về hôn nhân đồng tính

77% của… hơn 800 người

Hội thảo “Quan điểm của xã hội Việt Nam về đồng tính và hôn nhân cùng giới” do Viện nghiên cứu iSEE tổ chức.

Theo kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Thu Nam thuộc iSEE, 77% người được hỏi ở… 4 tỉnh, thành phố ủng hộ việc pháp luật cần thừa nhận và bảo vệ người đồng tính nói chung, tán đồng việc người đồng tính có quyền thỏa mãn nhu cầu tình cảm và cho rằng điều này không ảnh hưởng đến xung quanh.

TS Nam thừa nhận: “Số đối tượng và địa phương được khảo sát còn ít do nguồn lực hạn chế của nhóm nghiên cứu, và chưa thể đại diện cho cả Việt Nam”. Mặc dù vậy, tên hội thảo vẫn là “Quan điểm của xã hội Việt Nam về đồng tính và hôn nhân cùng giới” khiến nhiều người dự cảm thấy chưa thỏa đáng.

Phạm vi khảo sát chưa rộng (chỉ 4 tỉnh thành), số người khảo sát quá ít, thành phần chưa đa dạng - đó là những lý do khiến kết quả khảo sát, dù nghiêng về chiều hướng nào, cũng khó thuyết phục.

Ủng hộ chung chung nhưng phản đối các quyền cụ thể

Một mâu thuẫn được nghiên cứu nhìn nhận là mức độ ủng hộ giảm nhiều khi đề cập các quyền cụ thể của người đồng tính, đặc biệt là quyền kết hôn - chỉ có 36% ủng hộ và 58% kiên quyết phản đối.

Theo TS Thu Nam, các đối tượng được hỏi ủng hộ quyền chung của người đồng tính vì cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của xã hội dị tính. Nhưng với quyền kết hôn, người dị tính cảm thấy thể chế hôn nhân và gia đình dị tính truyền thống bị ảnh hưởng nên phần đông phản đối.

Thế nhưng quyền nhận con nuôi của người đồng tính lại được khá nhiều người ủng hộ, 79% và 68% tương ứng với hai nhóm đồng tính nữ và nam.

Thêm vào đó, dù tiến hành ở các vùng miền khác nhau (Nam - Bắc, thành thị - nông thôn), nghiên cứu chỉ ra rằng sự khác biệt vùng miền không tạo nên sự khác biệt trong quan điểm về người đồng tính. Thậm chí đôi khi, người ở nông thôn lại cởi mở hơn thành thị.

Quan điểm xã hội = quan điểm của người dị tính?

Câu hỏi của một người đồng tính nam có lẽ khiến những người thực hiện phải suy ngẫm: “Tại sao chỉ khảo sát trong số dị tính mà không hề hỏi ý kiến người đồng tính?”.

Bởi nếu chỉ hỏi người dị tính thì việc đa số không hiểu biết và có thái độ tiêu cực với người đồng tính không phải là khó đoán.

TS Nam cho biết một số khảo sát với cộng đồng người đồng tính đã được thực hiện trên mạng nhưng kết quả trên mạng không nhiều ý nghĩa với các nhà làm luật.

Bên cạnh đó, hệ thống câu hỏi để đo lường thái độ xã hội của TS Thu Nam, dù được xây dựng trên các nguyên tắc quốc tế, cũng khiến một đại biểu nước ngoài thắc mắc: “Liệu các câu hỏi để đánh giá có phù hợp với điều kiện xã hội và tâm lý người Việt hay chưa?”.

Theo Báo giấy