>> WWF sẽ rút cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ
Tổ chức này cũng đồng thời đưa cá tra, basa Việt Nam vào một danh mục mới: “Hướng tới đạt chứng chỉ” trong cẩm nang Hướng dẫn người tiêu dùng thủy sản 2010 - 2011.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, sáng 15-12, phía Việt Nam đã đối thoại trực tiếp với ông Mark Powell phụ trách thủy sản toàn cầu của WWF quanh việc cá tra Việt Nam bị WWF 6 nước châu Âu đưa vào danh mục đỏ trong cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011.
“Chúng tôi thảo luận thẳng thắn về bộ tiêu chí 19 câu hỏi và bản đánh giá. Khi còn thiếu các nguồn thông tin cập nhật về thực trạng sản xuất, tiêu thụ cá tra Việt Nam, WWF đồng ý bỏ ngay cá tra Việt Nam ra khỏi danh mục đỏ.
Theo ông Tuấn, trong quá trình làm việc, đã nhận được sự hợp tác rất tích cực từ phía WWF và hai bên cũng thống nhất sẽ hợp tác chặt chẽ để phát triển nghề nuôi cá tra ở Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nói về việc đưa cá tra vào danh mục đỏ, ông Mark Powell cho rằng: “Chúng tôi đánh giá dựa trên số liệu khoa học sẵn có tính đến thời điểm đánh giá. Về lý thuyết, WWF vẫn bảo lưu quan điểm của mình về bản đánh giá. Cho đến nay, bản đánh giá còn nhiều tranh cãi. Khi có những thông tin mới về thực tế ở Việt Nam, chúng tôi sẽ có những đánh giá đầy đủ, chính xác hơn”.
Tuy nhiên, ông Mark Powell cũng thừa nhận, giữa các WWF thành viên đã không có sự thống nhất và cho rằng: Sự thiếu thống nhất đó không ảnh hưởng sự hợp tác giữa WWF và Việt Nam cả hiện tại và tương lai.
“Chúng tôi hoàn toàn không có ý chỉ trích, phê phán, xử phạt đối với người dân nuôi cá tra, mà đang cố gắng hướng tới sự hợp tác phát triển bền vững. Bản đánh giá đó thuộc về quá khứ, còn đề xuất về sự hợp tác bền vững là hướng tới tương lai” - Ông Mark Powell khẳng định.
Đại diện WWF cũng cho biết, tổ chức này sẽ kêu gọi, khuyến khích các nhà tiêu dùng thủy sản, đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn vào ngành cá tra, basa ở Việt Nam, ngành đang hướng tới phát triển bền vững. WWF cũng cam kết, sẽ sử dụng mối quan hệ của mình để tìm kiếm, kêu gọi các nguồn tài chính từ bên ngoài, phục vụ cho quá trình cấp giấy chứng nhận phát triển bền vững cho nghề nuôi cá tra.
Ông Powell cũng khẳng định, việc cá tra Việt Nam bị đưa vào danh mục đỏ không phải vì tổ chức này đang phối hợp với một số tổ chức khác để đưa ra một bộ tiêu chuẩn mới, cạnh tranh một số bộ tiêu chuẩn mà Việt Nam đang thực hiện như Global GAP hay SQF.
Không giấu được niềm vui, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: “Chúng ta đã vượt qua một thách thức lớn, trong rất nhiều thách thức!”.
Nói về sự kiện cá tra được đưa ra khỏi danh mục đỏ, ông Phạm Anh Tuấn đã cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam, trong thời gian qua đã góp sức cùng các cơ quan chức năng, để vấn đề đưa cá tra vào danh mục đỏ nhanh chóng được giải quyết.
Diễn biến sự kiện cá tra
- Ngày 19-11, sáu thành viên WWF ở châu Âu đưa cá tra Việt Nam vào danh mục đỏ (khuyến cáo không nên dùng) trong cuốn cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011.
- Ngày 7-12, VASEP họp báo, yêu cầu WWF đánh giá lại việc công bố trên, đồng thời mời đại diện WWF quốc tế đến Việt Nam để đối thoại trực tiếp.
- Ngày 8-12, sau cuộc đối thoại với WWF Việt Nam, Tổng cục Thủy sản họp báo yêu cầu WWF đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ, và yêu cầu WWF cung cấp bộ tiêu chí và bản đánh giá.
- Ngày 9-12, Tổng cục Thủy sản nhận được bộ tiêu chí 19 câu hỏi và bản đánh giá của WWF, và cho rằng, đó là bản đánh giá nghèo nàn về cơ sở khoa học. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cũng yêu cầu WWF đưa cá tra khỏi danh mục đỏ.
- Ngày 15-12, ông Mark Powell, đại diện WWF quốc tế đã đến đối thoại với phía Việt Nam và đồng ý sớm nhất trong ngày 16-12, sẽ đưa cá tra ra khỏi danh mục đỏ, đồng thời khuyên người tiêu dùng châu Âu sử dụng sản phẩm này.