Trước khi viết về một câu chuyện cũ kĩ nhưng lúc nào cũng nhạy cảm và tạo cảm giác hồ nghi xen lẫn động chạm niềm tin, tôi đã suy nghĩ rất lâu. Rằng, có nên làm cho những người đang rạo rực ngóng chờ World Cup rơi vào trạng thái chưng hửng, ngờ vực hay không?
Có lẽ không nên. Bởi những gì không thấy, lòng sẽ không đau. Vì thế, đây sẽ là câu chuyện để ngẫm, để nghiệm và để mỗi người chọn cho mình một góc nhìn về góc khuất phía sau những bóng áo kiêu hãnh.
Tính toàn vẹn của bóng đá từ lâu đã trở thành một khái niệm bị sứt mẻ. Niềm tin gào thét trong sự tuyệt vọng. Có lẽ chỉ còn World Cup là nơi duy nhất cho niềm tin nương náu. Và bất kì ai cũng phải làm tất cả để giữ lại niềm tin ấy.
Ralf Mutschke, người đứng đầu Ủy ban an ninh FIFA luôn bận rộn với mớ hồ sơ mật, trong đó liệt kê những cái tên dài dằng dặc, những kế hoạch của các tổ chức ngầm đang hoạt động.
“Chúng tôi không mong những kẻ dàn xếp tỷ số đến Brazil, gõ cửa khách sạn của cầu thủ và trọng tài. Nhưng chúng tôi biết họ sẽ tiếp cận nếu có thể. Một số đội bóng, cầu thủ và các tổ chức đang được chúng tôi theo dõi chặt chẽ. Tôi không thể nói danh tính. Nhưng tất cả hồ sơ tiền sử cá độ và mọi dữ liệu của các cá nhân tham dự giải đều được chúng tôi khai thác và nắm giữ”. Sự thừa nhận này của Mutschke tạo ra một mối lo có thể tác động tới niềm tin.
Nhưng đó là điều họ phải làm, khi mà mới đây Wilson Raj Perumal, một siêu dàn xếp tỷ số bóng đá (hiện đang ở tù tại Phần Lan), thừa nhận trong cuốn tự truyện của mình rằng đã điều chỉnh các trận đấu ở vòng loại World Cup 2010. Nhưng xét cho cùng, chuyện dàn xếp tỷ số là một hoạt động có cung và có cầu. Các tổ chức tội phạm đánh vào điểm yếu ở những cầu thủ có “nhu cầu” về tiền bạc.
Năm 2012 một nghiên cứu của Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp FIFPro cho kết quả gây sốc: 12% trong số 3.357 cầu thủ được phỏng vấn bí mật nói rằng đã được tiếp cận đề nghị dàn xếp các trận đấu. Và sốc hơn, có tới 55% số cầu thủ đó là những người không được thanh toán lương đúng hạn.
Toàn bộ thu nhập của các cầu thủ Iran không bằng thu nhập của một Messi, dù họ sẽ đứng trên cùng một mặt cỏ. Khi đó, nếu có sự mua bán theo hình thức “cung - cầu” thì đó cũng là mặt trái của World Cup.
Phải chăng cuộc sống, sự mưu sinh đã trở thành môi trường nuôi dưỡng những tổ chức tội phạm? Có lẽ điều đó đúng, bởi có kẻ nào dám cả gan dụ dỗ Messi, C.Ronaldo hay Rooney bán độ đâu!
Ralf Mutschke nói rằng, các trận đấu sẽ bị theo dõi sát sao nhất tại World Cup là những trận đấu ở loạt cuối vòng bảng. Đó là lúc tình hình gần rõ ràng, với những trận đấu vô thưởng vô phạt và thường là những đội yếu đã bị loại. Mà những cầu thủ của họ rất có thể nằm trong 55% số người bị chậm lương.
Với các trọng tài thì sự trao đổi dựa trên quy tắc “cung cầu” cũng vậy thôi, nhất là khi trọng tài chỉ là một “nghiệp” chứ chưa phải “nghề” có thu nhập cao như cầu thủ.
Perumal cũng từng nói: “Nếu 1 triệu USD có thể trả cho nhiều đội bóng. Số tiền hối lộ 10 triệu USD sẽ mua được bao nhiêu trọng tài?”. Số tiền này chẳng đáng là bao so với doanh thu dự kiến 1 tỷ USD từ cá độ sẽ được ném vào mỗi trận đấu ở World Cup. Và khi đó, câu chuyện không còn nằm ở phía kẻ tổ chức dàn xếp là ai, mà nằm ở chính cuộc sống của những người tạo ra trận đấu, tạo ra World Cup.
Hay nói cách khác, đó là câu chuyện về đồng tiền và sự công bằng, về những số phận mưu sinh. Xã hội nào cũng có sự chênh lệch.
Ở World Cup, dù là giải đấu đỉnh cao, nhưng cũng có sự khác biệt đến tận cùng. Toàn bộ thu nhập của các cầu thủ Iran không bằng thu nhập của một mình Messi, dù họ sẽ đứng trên cùng một mặt cỏ. Nhưng đó là sự tất yếu. Khi đó, nếu có một sự mua bán theo hình thức “cung - cầu” thì đó cũng là mặt trái trong một xã hội World Cup đầy kiêu sa, bóng bẩy và không bao giờ có sự công bằng.
Vậy World Cup có bị dàn xếp hay không? Có thể có nếu những số phận gầm rú, gào thét trong sự kiệt cùng. Nhưng sẽ là không, nếu những linh hồn khốn khổ nào đó vẫn giữ trong mình niềm kiêu hãnh, sự tự hào và trái tim thổn thức phía sau những bộ trang phục mang màu cờ sắc áo quốc gia.