Giúp dân như giúp người thân
Tại Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), chúng tôi chứng kiến hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại đây, mỗi cán bộ, chiến sĩ được phân công nhiệm vụ khác nhau, người vận chuyển đồ đạc, người thu dọn bùn đất, người giúp trung tâm củng cố hệ thống cơ sở vật chất. Tất cả đều quên đi mệt nhọc, chạy đua với thời gian, ai cũng hăng hái, tích cực.
Bác sĩ Nguyễn Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ, nói: “Sau cơn lũ, đất đá, bùn gây thiệt hại lớn đến cơ sở vật chất của trung tâm. Rất may, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 kịp thời có mặt giúp chúng tôi thu dọn, sửa chữa nhà cửa. Nhờ sự giúp đỡ của bộ đội, chúng tôi có điều kiện triển khai công tác vệ sinh môi trường sau lũ trên toàn địa bàn”.
Vẫn trong không khí làm việc hối hả, nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1 (Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98) do trung úy Nguyễn Trọng Kính - Trung đội trưởng trực tiếp chỉ huy đang tích cực giúp gia đình chị Mùa Thị Thúy ở bản Ngoa, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ gia cố lại mái nhà dưới trận mưa xối xả. Một tốp chiến sĩ khác giúp chị vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Được biết, bố chồng chị Thúy ốm nặng, đang phải điều trị trong bệnh viện, chồng chị đi làm ăn xa chưa kịp về, trong khi chị lại đang nuôi con nhỏ. Nhìn cán bộ, chiến sĩ tận tâm, tận lực hết việc nọ đến việc kia, cảm nhận họ đang làm việc cho chính gia đình mình.
Trung úy Nguyễn Trọng Kính cho biết, ngay khi hành quân đến thị xã, đơn vị nhanh chóng chia thành các tổ, đến giúp từng gia đình bị thiệt hại nặng, trong đó ưu tiên đối tượng chính sách, người già neo đơn, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo đại tá Phạm Hồng Chương, Phó tham mưu trưởng Quân khu 2, phụ trách Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Yên Bái, công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang được lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với Sư đoàn 316, Công an tỉnh, dân quân tự vệ triển khai tích cực, tập trung chủ yếu tại khu vực xảy ra lũ ống, lũ quét, dọc theo suối Thia (Nghĩa Lộ) với nỗ lực, cố gắng cao nhất.
Chạy đua cứu lúa
Trời chưa tỏ rõ mặt người, không gian còn ướt đẫm hơi sương, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng cán bộ, công chức, viên chức các phòng ban, cơ quan chức năng của huyện Trạm Tấu và giáo viên, học sinh các trường trên địa bàn tỏa ra khắp cánh đồng Hát Lừu ở xã Hát Lừu giúp bà con nhân dân gặt lúa, tránh cơn bão số 11 sắp đổ bộ vào đất liền. Tất cả làm việc với tinh thần hết sức khẩn trương.
Tại thửa ruộng nhà chị Lò Thị Ứt, hàng chục người đang tỉ mỉ thu gom, nhặt nhạnh giúp gia đình từng bông lúa đang chìm sâu dưới dòng nước đục ngầu, ngập đầy rác rưởi. Gia đình chị Ứt neo người, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo, ốm yếu mấy năm nay, không làm việc nặng, trong khi 3 đứa con còn nhỏ, chưa giúp được bố mẹ việc gì.
“May nhờ có bộ đội, dân quân, các cô, các chú trên huyện về gặt lúa giúp, nếu không chỉ một, hai ngày nữa là ruộng lúa nhà tôi sẽ hỏng hết, rồi vợ chồng chẳng biết lấy gì để nuôi các con”, chị Lò Thị Ứt xúc động nói.
Theo trung tá Nguyễn Điệp Anh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, ngay sau khi xảy ra mưa lũ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản tại tỉnh Yên Bái, nhất là tại các xã Phúc Sơn, Phù Nham (huyện Văn Chấn), Hát Lừu, Xà Hồ (huyện Trạm Tấu) và phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ), từ ngày 11 đến 14/10, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đã hành quân lên đường, kịp thời có mặt tại các khu vực xảy ra mưa lũ, nhanh chóng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
“Những ngày tới, theo đề nghị của địa phương, đơn vị tiếp tục phối hợp với các lực lượng tận tình giúp đỡ người dân vùng lũ Yên Bái khắc phục hậu quả thiên tai cho đến khi cuộc sống bà con ổn định trở lại”, trung tá Nguyễn Điệp Anh nói.
Góc khuất hậu phương
Theo báo cáo của Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), từ ngày 10/10 đến 18/10, các Quân khu 2, 3, 4, Quân đoàn 1, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo và huy động 20.760 người (Bộ đội: 9.321 người, Dân quân: 11.439 người) cùng 2.940 lượt phương tiện các loại tham gia giúp nhân dân phòng tránh, khắc phục mưa, lũ và cứu hộ cứu nạn.
Các đơn vị quân đội đã tham gia di dời gần 40 hộ dân ra khỏi vùng bị ngập, vùng nguy hiểm, cứu nạn được 10 người bị mắc kẹt trên sông, bị cô lập tại trạm thủy điện. Đồng thời giúp dân gặt 388 ha lúa chạy lũ; lợp, dựng lại 254 căn nhà, gia cố 25km đê, kè, đập; vận chuyển gần 100 tấn lương thực, thực phẩm; dọn dẹp 1.300 nhà dân, công trình công cộng, UBND, các trường học, 15.930 m3 bùn đất, tu sửa 105km đường liên thôn; phun thuốc khử trùng cho những vùng có nguy cơ bùng phát dịch bệnh do mưa lũ với diện tích 10 nghìn m2…
Cũng trong đợt mưa lũ, ngập lụt này, đã có rất nhiều gia đình quân nhân bị thiệt hại, mất mát. Điển hình là nhà của binh nhất Đinh Công Thịnh (Sư đoàn 395, Quân khu 3) bị vùi lấp khiến bà nội và bố đẻ mất tích do sự cố sạt lở đất tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Đau xót không kém là trường hợp binh nhất Bùi Văn Khuyện (Tiểu đoàn 30, Bộ Tham mưu Quân khu 3) khi nhà anh ở xã Phú Cường cũng bị vùi lấp, khiến mẹ, anh trai, chị dâu và anh họ sống cùng nhà bị chết.
Một mất mát khác là hai cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương là thượng tá Cao Đăng Cường (Chính trị viên) và đại uý Nguyễn Thành Chủng (Đội trưởng tổng hợp đảm bảo) thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, bị lũ cuốn trôi khi trên đường đi triển khai công tác phối hợp khắc phục mưa lũ ngày 10/10. Đến nay, các lực lượng tìm kiếm mới tìm thấy thi thể thượng tá Cao Đăng Cường.
“May nhờ có bộ đội, dân quân, các cô, các chú trên huyện về gặt lúa giúp, nếu không chỉ một, hai ngày nữa là ruộng lúa nhà tôi sẽ hỏng hết, rồi vợ chồng chẳng biết lấy gì để nuôi các con”.
Chị Lò Thị Ứt (xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái)