Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, năm nay người trồng gặp khó khăn trong khâu đi lại, chuẩn bị vật liệu xuống giống. Nhất là giá vật tư, nhân công trồng hoa đều tăng từ 15-20%, nhiều loại phân bón tăng giá đến 50%. Do đó, giá hoa năm nay tăng hơn so với mọi năm mới giúp người trồng có lãi.
Tại Đà Lạt, tổng diện tích trồng hoa các loại phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2022 của thành phố là 745 ha. Trong đó, diện tích hoa cúc 260 ha, hoa hồng 95 ha, lay ơn 5 ha, hoa lily 30 ha, cẩm chướng-salem 200 ha và một số loại hoa khác chiếm 85 ha. Theo thống kê của địa phương này, sản lượng hoa cắt cành đạt gần 1,4 tỷ cành, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Chị Nhung, chủ vườn hoa ở Đà Lạt nói năm nay chị cung ứng ra thị trường khoảng 1 triệu cành hoa hồng và hoa cẩm chướng để phục vụ Tết Nguyên đán. Giá bán sỉ 5.000-15.000 đồng một cành (tuỳ loại), tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Lượng hàng Tết của vườn tôi năm nay cung ứng ra thị trường chỉ tăng khoảng 2% so với năm ngoái. Nhiều giống không thể canh tác như kế hoạch vì ảnh hưởng của dịch bệnh", chị Nhung chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Đông, Giám đốc hệ thống bán lẻ Dalat Hasfarm, cho biết doanh thu hoa tươi của công ty tại thị trường nội địa tăng trưởng tốt ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.“Chúng tôi đang cố gắng để đảm bảo nguồn hàng phục vụ bà con ở dịp Tết. Giá bán trung bình các mặt hàng hoa của công ty trong 3 tuần trước Tết sẽ tăng khoảng 10-15% so với ngày thường”, ông Đông nói.
Sau những tháng khó khăn do dịch COVID-19, đơn vị này đã phục hồi sản xuất, tập trung xuống giống các loại hoa cắt cành như hồng, cúc, đặc biệt của năm nay là hoa Lavender chậu phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần.