Chiếm lĩnh thị trường
Tôi đến xã Kim Lan (huyện Gia Lâm, Hà Nội) gặp ông Trịnh Đình Tân, con trai doanh nhân Trịnh Đình Kính. Ông Tân nay gần tám mươi tuổi, cả đời theo nghề thủy tinh của cha. Đưa tôi xem một chiếc lọ, ông Tân cho biết: “Đây là lọ đựng chè do xưởng thủy tinh của bố tôi sản xuất năm 1950, nay là vật duy nhất tôi còn giữ lại được”.
Ông Trịnh Đình Tân cho biết, cha ông mồ côi từ nhỏ, năm 10 tuổi đã phải rời quê nhà tại xã Kim Thư (huyện Thanh Oai, Hà Nội) để lên đất kinh kỳ kiếm sống. Khi đó, việc hằng ngày của cậu bé Trịnh Đình Kính là gánh thuê xỉ than từ các lò nấu thủy tinh của người Hoa trên phố Hàng Bồ để mang đi đổ. Công việc thầm lặng ấy vô tình được một ông chủ người Hoa để ý, nên đã nhận cậu về làm giúp việc trong xưởng thủy tinh. Sau này, khi thấy được sự khéo léo, thông minh và tính trung thực của Trịnh Đình Kính, người chủ dạy cho anh cách làm thủy tinh. Đây là sự phá lệ, bởi thời ấy người Hoa chỉ dạy người ngoài cách ăn chứ không dạy cách làm.Tuy nhiên, việc dạy nghề này mới chỉ là bước đầu, vì nếu dừng ở đó thì Trịnh Đình Kính cũng chỉ là một thợ bậc cao.Người thanh niên này ấp ủ khát vọng cao hơn là đến lúc nào đó sẽ mở một xưởng sản xuất thủy tinh của người Việt.
Năm 1914, Trịnh Đình Kính thực hiện khát vọng của mình khi thành lập xưởng sản xuất thủy tinh Thanh Đức tại phố Hàng Bồ. Ban đầu, xưởng của ông cũng làm những mặt hàng thông dụng thời đó như bóng đèn, lọ đựng kẹo; sau đómạnh dạn sản xuất các vật dụng đồ uống cao cấp hơn như ly, cốc, tách… Nhưng những mặt hàng này khi đó chưa được những người giàu trong nước, đặc biệt là người Pháp ở Đông Dương chú ý vì họ quen dùng đồ thủy tinh chuyển từ Pháp sang. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) bước vào giai đoạn khốc liệt, con đường chuyên chở sản phẩm thủy tinh từ Pháp sang Đông Dương bị cắt đứt thì những mặt hàng thủy tinh của xưởng Thanh Đức bắt đầu được chú ý đến. Đỉnh điểm của sự việc này là việc nhà Gô-đa (siêu thị đầu tiên ở Việt Nam trên phố Tràng Tiền, do người Pháp quản lý) đã đặt hàng với xưởng thủy tinh Thanh Đức. Trước khi đặt hàng, họ đem ngâm sản phẩm của Thanh Đức vào nước đá, sau đó chuyển sang đổ nước sôi mà thấy không bị rạn vỡ nên mới chấp nhận sản phẩm. Uy tín những sản phẩm của doanh nhân Trịnh Đình Kính ngày một tăng, khi không chỉ nhà Gô-đa mà những nơi khác trên xứ Đông Dương cũng bắt đầu đặt hàng trực tiếp với Thanh Đức. Danh tiếng của doanh nhân Trịnh Đình Kính trở nên lừng lẫy, ông được ví là “vua” thủy tinh Đông Dương, sánh ngang với những doanh nhân Việt Nam nổi tiếng thời bấy giờ như Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi…
Thành công lớn đến cũng đồng nghĩa với áp lực về mẫu mã, chất lượng sản phẩm của thương hiệu thủy tinh Thanh Đức ngày một cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, doanh nhân Trịnh Đình Kính phải tiếp tục có những đột phá mới. Ông là người đầu tiên làm ra thủy tinh màu ở Việt Nam, tiếp đó chế ra máy vẽ hoa văn trên thủy tinh và máy cắt gọt thủy tinh. Với những năm đầu của thế kỷ XX, những kỹ thuật ấy thực sự là một cuộc cách mạng quan trọng trong ngành thủy tinh Việt. Sau thành công này, xưởng Thanh Đức bắt đầu được các bệnh viện, rồi Viện Pasteur ở Hà Nội và Sài Gòn đặt hàng để sản xuất những sản phẩm thủy tinh để đựng thuốc và các dụng cụ trong phòng thí nghiệm. Sự phát triển của Thanh Đức là quá lớn khiến những xưởng thủy tinh của người Hoa ở Việt Nam dần vắng bóng.Và sau đó, thương hiệu Thanh Đức cũng đủ để người Pháp từ bỏ ý định đưa sản phẩm của họ trở lại Đông Dương một lần nữa.
Đóng góp cho ngành thủy tinh nước nhà
Là người làm việc tại Xí nghiệp Công tư hợp doanh thủy tinh Thanh Đức ngay từ thời gian đầu đến khi nghỉ hưu vào năm 1989 với chức danh quản đốc phân xưởng, ông Trịnh Đình Tân hiểu rõ công việc nơi đây. Ông Tân cho biết, khi tham gia công tư hợp doanh, thương hiệu thủy tinh Thanh Đức vẫn duy trì được danh tiếng, chất lượng sản phẩm vẫn phát triển phù hợp, các chủng loại mặt hàng khá phong phú. Trong gần ba chục năm, những mặt hàng của Xí nghiệp Công tư hợp doanh thủy tinh Thanh Đức (sau đổi thành Xí nghiệp Thủy tinh Thanh Đức) đã đáp ứng được nhu cầu của đời sống nhân dân, đồng thời vẫn tiếp tục sản xuất những sản phẩm thủy tinh để đựng thuốc và dụng cụ trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, từnăm 1986 trở đi, khi cơ chế đổi mới được hình thành và phát triển, Xí nghiệp Thủy tinh Thanh Đức bắt đầu gặp khó khăn. “Khi đó, dù chất lượng hàng hóa vẫn đảm bảo, nhưng do cơ chế chậm chuyển đổi nên Xí nghiệp Thủy tinh Thanh Đức bị mất dần thị trường. Năm 1997, Xí nghiệp Thủy tinh Thanh Đức được sáp nhập vào Công ty Thủy tinh Hà Nội. Tuy thương hiệu Thanh Đức không còn, nhưng những người thợ do Thanh Đức đào tạo trong nhiều năm đã góp phần xây dựng nên ngành thủy tinh Việt Nam đến bây giờ” - ông Trịnh Đình Tân cho biết.
Trước khi đặt hàng, họ đem ngâm sản phẩm của Thanh Đức vào nước đá, sau đó chuyển sang đổ nước sôi mà thấy không bị rạn vỡ nên mới chấp nhận sản phẩm. Uy tín những sản phẩm của doanh nhân Trịnh Đình Kính ngày một tăng, khi không chỉ nhà Gô-đa mà những nơi khác trên xứ Đông Dương cũng bắt đầu đặt hàng trực tiếp với Thanh Đức.
Năm 2006, ông Trịnh Đình Tân chuyển nhà từ phố Hàng Bồ về quê vợ tại xã Kim Lan để mở xưởng làm thủy tinh. Xã Kim Lan nằm kế bên xã Bát Tràng, nơi đây người dân cũng làm gốm nên việc hoạt động của xưởng sản xuất thủy tinh tại đây cũng khá phù hợp. Vốn thạo nghề, ông Tân đã nhận một số hợp đồng làm đồ thủy tinh và pha lê. Sau một thời gian hoạt động, ông đã dừng sản xuất sau khi đã thỏa nỗi nhớ nghề.