> Sốc với giá gas tăng 'khủng' từ 1/12
Tổ chức này cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu gas xuống 0% để bình ổn thị trường. Ngoài tác động từ thế giới, liệu có chuyện “đục nước béo cò”?
Găm hàng
Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, giá gas trên thị trường thế giới đang chào bán ở mức trên 1.000 USD/tấn, tăng khoảng 200 USD/tấn so với hồi đầu tháng 11. Do đó, từ ngày 1/12, giá bán lẻ gas trong nước sẽ được điều chỉnh tăng từ 70.000-80.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức tăng 6.600 đồng/kg.
Với mức tăng như trên, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ vào khoảng 475.000-485.000 đồng/bình 12kg. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012.
Đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, ngoài nguyên nhân do giá thế giới tăng, một số doanh nghiệp bán lẻ gas găm hàng chờ sang tháng 12 mới bán để được hưởng lãi cao cũng là nguyên nhân khiến giá tăng mạnh. Hiện, một loạt công ty kinh doanh đầu mối gas đã điều chỉnh giá bán gas trong tháng 12.
“Hiệp hội Gas Việt Nam sẽ yêu cầu các doanh nghiệp hội viên rà soát lại toàn bộ chi phí trên tinh thần tiết giảm tối đa để đưa ra mức giá hợp lý, đảm bảo lợi ích của mình và quyền lợi người tiêu dùng”.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam
Theo đại diện Công ty TNHH Gas Petrolimex Sài Gòn, từ ngày 1/12, giá gas của công ty tăng 79.000 đồng và quy định giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 493.000 đồng/bình 12kg. Công ty Gas Pacific Petro tăng 78.000 đồng, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 489.000 đồng/bình 12kg... Đây là lần thứ 6 giá gas tăng ở mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh gas phía Bắc nói: “Ảnh hưởng của giá thế giới là nguyên nhân chính, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp bán lẻ gas đã có biểu hiện găm hàng để tăng giá”. Tuy nhiên, cũng theo vị này, việc giá gas tăng là tất yếu vì mặt hàng gas đang phụ thuộc nhập khẩu.
Ông Trần Trọng Hữu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, từ năm 2000, giá gas trong nước thực hiện theo quy luật của thị trường thế giới. Do đó, giá gas thế giới tăng, giá trong nước sẽ tăng theo do phụ thuộc nhập khẩu.
Thế nhưng, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nói giá gas trong nước phụ thuộc nhập khẩu là không thuyết phục vì hiện gas sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu. Bình luận về nhận định này, ông Hữu cho biết, dù gas sản xuất trong nước, nhưng cơ cấu giá vẫn được tính theo thị trường thế giới (?).
Tăng quá cao
Theo ông Trần Trọng Hữu, mới đây, Hiệp hội Gas Việt Nam cũng đã đề xuất với Văn phòng Chính phủ, liên Bộ Tài chính-Công Thương cho giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 0%.
“Việc giảm thuế nhập khẩu gas sẽ góp phần bình ổn thị trường gas trong nước và giảm mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng cuối năm. Dự báo, trong tháng 1/2014, giá gas sẽ còn có thể tiếp tục tăng”, ông Hữu nói. Còn ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết thêm: “Nếu đề xuất giảm thuế nhập khẩu gas được thông qua, sẽ giảm được khoảng 17.000 đồng/bình”.
Theo một số chuyên gia kinh tế, kiến nghị giảm thuế nhập khẩu gas xuống 0% của Hiệp hội Gas Việt Nam trước tiên nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp hội viên, sau đó mới đến lợi ích người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, việc giá gas thế giới biến động ảnh hưởng tới nội địa khó tránh khỏi. Tuy nhiên, giá gas tăng một lần tới 78.000 đồng (tăng khoảng 17% so với mức trước đó) là quá cao. Do vậy, Bộ Tài chính nên xem xét để giảm ngay thuế nhập khẩu.
Thực tế theo dõi cho thấy, trong các năm 2011-2012, khi giá gas tăng cao đến gần 500.000 đồng/bình 12kg, Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu gas về 2%; thậm chí mấy tháng đầu năm 2012 còn áp mức 0%. Do đó, nếu nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam, việc được xem xét giảm thuế nhập khẩu hoàn toàn có thể xảy ra.
Một chuyên gia lâu năm về gas cho biết, theo quy định của Luật Giá, gas nằm trong danh mục mặt hàng kiểm soát giá nên cơ quan quản lý sẽ có giải pháp để bình ổn khi giá tăng quá cao, tác động lớn đến đời sống người dân. “Nhằm hạ nhiệt giá bán gas, một trong những biện pháp thường được sử dụng là giảm thuế nhập khẩu”, vị chuyên gia nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, bên cạnh đề xuất giảm thuế nhập khẩu gas, Bộ Tài chính và các sở tài chính phải vào cuộc để thanh, kiểm tra chi phí ở khâu phân phối. Đặc biệt là mức chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Nếu phát hiện các doanh nghiệp kinh doanh gas cạnh tranh không lành mạnh, gây phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng, cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý ngay.
“Việc giảm thuế nhập khẩu gas là cần thiết trong lúc giá gas đang tăng cao. Tuy nhiên, việc kiểm soát các doanh nghiệp bán lẻ găm hàng chờ tăng giá, cạnh tranh không lành mạnh từ việc trích hoa hồng cho các đại lý… cũng rất cần thiết”, vị chuyên gia nói.