Vụ trộm báu vật hy hữu trong lịch sử Hoàng gia Anh

Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được tổ chức long trọng trong tháng 4 tới đây với các nghi thức Hoàng gia. Dịp này, những báu vật chính thống của Hoàng gia Anh sẽ được mang ra cho bàn dân thiên hạ thưởng lãm.
Nữ hoàng Elizabeth II trong lễ đăng quang vào giữa năm 1953, với đầy đủ báu vật thiết yếu gồm Vương miện, Vương trượng và Quả cầu Hoàng gia.

Giới sử gia xứ sở sương mù lại được dịp nhắc tới vụ trộm báu vật có một không hai trong hơn 10 thế kỷ tồn tại Vương triều lâu đời nhất Châu Âu. Vụ án hy hữu này còn được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận như là “Vụ đánh cắp báu vật của mọi thời”.

Chuyện lọt được vào pháo đài Tower thâm nghiêm hòng trộm đồ gia bảo của các vì vua Anh là điều không tưởng, chỉ có trong tiểu thuyết trinh thám hư cấu. Vậy mà một sự kiện hoàn toàn có thật đã xảy ra cách đây gần 350 năm, khi một sĩ quan cao cấp dưới triều Vua Charles II (1630-1685) đã thành công với kế hoạch đánh cắp các báu vật biểu trưng cho Vương quyền Anh.

Đó là viên Đại tá Thomas Blood (1618-1680), kẻ chủ mưu vụ trộm vào ngày 9/5/1671 ngay giữa kinh thành London. Các món đồ bị bọn tội phạm nẫng đi gồm Vương miện của Thánh Edward là biểu tượng cho người đứng đầu nền quân chủ Anh, Vương trượng gắn Thập giá thể hiện quyền năng tuyệt đối và Quả cầu Hoàng gia biểu hiện uy lực toàn cầu. Tất cả đều được khảm kim cương và đá quý, những báu vật gia truyền tượng trưng cho quyền lực không thể thiếu trong mọi nghi lễ Hoàng triều chính thức.

Đại tá T. Blood.

T. Blood âm thầm lên một kế hoạch công phu nhằm thực hiện vụ đánh cắp táo tợn. Trước đó khoảng hơn một tháng, Đại tá T. Blood đã xuất hiện tại pháo đài Tower không phải theo yêu cầu công vụ, mà cải trang thành vị linh mục Thanh giáo đi tham quan cùng một phụ nữ kiều diễm vào vai vợ ông ta.

Họ tới tòa nhà trưng bày báu vật Hoàng gia, thuở ấy vẫn còn mở cửa cho dân chúng vào xem, chỉ cần nộp lệ phí ngoài cổng là đủ, chứ không được bảo vệ cẩn mật và nghiêm cấm mọi người lai vãng như bây giờ. Đột nhiên “cô vợ” của Blood lên cơn đau dạ dày quằn quại, khiến vị mục sư quá lo lắng nên khẩn khoản yêu cầu viên quan Talbot Edwards cai quản tòa nhà lấy thuốc giúp người bệnh. Nơi ở của vị quan T. Edwards chỉ cách đấy vài bước chân, phu nhân Blood liền được đưa tới đó nghỉ tạm ...

Vương miện Thánh Edward được phục chế lại sau vụ trộm.

Khi tình trạng đã ổn, “vợ chồng” vị linh mục rối rít cám ơn gia chủ vì lòng tốt rồi lịch thiệp cáo từ. Những ngày kế tiếp, viên mục sư giả danh liên tục trở lại khu Tháp Tower ghé thăm nhà T. Edwards để tỏ lòng biết ơn, thậm chí còn tặng cho cả gia đình mỗi người một đôi găng tay trắng là của hiếm lúc đó. Trong những lần viếng thăm ấy có một anh chàng điển trai luôn tháp tùng “mục sư”, được T. Blood giới thiệu là người cháu ruột đã mất cha nhưng vẫn còn độc thân. Cuối cùng viên đại tá mưu lược đã làm mối thành công để chàng trai kết hôn với cô con gái út của vị quan T. Edwards 77 tuổi đầy quyền thế.

Kế hoạch trộm báu vật gấp rút được triển khai. Xế chiều ngày 9/5/1671, T. Blood cùng vài thành viên đại diện dòng họ nhà trai lại đến thăm gia đình thông gia Edwards. Trong khi nữ chủ nhân tất bật sửa soạn bữa tối, Thomas liền cậy nhờ xui gia Talbot tranh thủ cho mấy người bà con dưới quê lên chưa có dịp tận mắt mục kích các biểu tượng Hoàng gia. Tuy biết phạm vào điều cấm kị không được phép ngoài giờ tham quan, nhưng nể lời đàng trai, T. Edwards đã dẫn họ xuống hầm ngầm chứa báu vật.

Gia đình Edwards ngụ ở Tháp Martin, bên trên tầng hầm bảo quản các hiện vật trưng bày được đưa xuống cất giữ mỗi tối theo quy định.

“Ông chú” T. Blood, viên con rể cùng vài tên đàn ông nữa đi theo T. Edwards. Sau khi vị quan Edwards duy nhất giữ chìa khóa tầng hầm mở cánh cửa sắt dày để mọi người lọt vào bên trong, một tên trong đám tháp tùng liền lấy áo choàng phủ kín đầu Edwards, dùng búa đập lên đầu trước khi trói nghiến và bịt mồm ông lại.

Vệ binh canh gác tòa nhà bảo quản báu vật Hoàng triều hiện nay.

Cơ thể già nua của T. Edwards không kịp phản ứng trước các hành động bất ngờ ấy. Chúng để một tên đứng ngoài canh gác rồi khẩn trương lục tìm những món đồ giá trị nhất. Tên đầu đảng Thomas với kinh nghiệm nhà binh chuyên nghiệp đã nhanh chóng phá hỏng các tấm lưới kim loại tản nhiệt bảo vệ báu vật. Hắn chọn Vương miện Thánh Edwards khảm đầy đá quý làm “chiến lợi phẩm” cho mình.

Nhưng do chiếc vương miện quá to, Blood phải dùng búa gõ gập làm đôi cho dễ giấu dưới lớp áo choàng. Một tên đồng phạm khác là Hunt anh rể của Thomas lấy cây Vương trượng gắn Thập giá, nhưng báu vật quá dài nên hắn cũng làm như Thomas là bẻ gập lại nhét vào chiếc cặp đeo bên người. Tên cuối cùng là Parrot cuỗm Quả cầu Hoàng gia bằng vàng khối bỏ vào túi quần yếm rộng thùng thình.

Lúc này T. Edwards đã tỉnh lại và tự cởi dây trói, miệng hô to: “Đồ phản trắc! Quân giết người! Vương miện đã bị đánh cắp!”… Người con trai Wythe nghe thấy tiếng cha liền hộc tốc chạy xuống, lao vào vật lộn với tên đứng gác bên ngoài. Bọn đạo chích thấy động tức thì chuồn vội khỏi tầng hầm, ùa chạy tới chỗ buộc ngựa chờ sẵn trước cổng St Catherine. Một vệ binh gác cổng định ngăn lại nhưng đã bị chúng bắn trọng thương.

Lệnh báo động được ban ra, lực lượng vệ binh Hoàng gia rầm rập phi ngựa phong tỏa mọi ngả đường trong Tháp Tower. Đội kỵ binh do Đại úy Beckmann, em rể của T. Edwards chỉ huy đã kịp bắt sống cả bọn ngay trước cánh cổng sắt ngoài cùng dẫn ra khỏi khu vực tòa pháo đài. Riêng kẻ cầm đầu T. Blood cương quyết không chịu đầu hàng, thậm chí hắn còn luôn mồm la hét bằng giọng ngạo nghễ: “Đây là một chiến tích phi thường cho dù chưa hoàn thiện. Kẻ hào hiệp này đã làm điều đó nhân danh Vương miện quyền năng”.

Các báu vật đều được thu hồi và phục chế nguyên trạng. Kết quả điều tra cho thấy ngoài súng lục giắt trong người, bọn tội phạm còn giấu kiếm và dao găm trong gậy chống (ba-toong) là thứ phục sức bất ly thân của giới quý tộc đương thời.

Riêng Đại tá T. Blood đòi được khai báo toàn bộ vụ việc trước mặt nhà Vua Charles II. Do vậy can phạm được dẫn vào cung đình trong bộ dạng cả tay lẫn chân đều bị xiềng, diện kiến Vua Charles II, Thái tử Rupert Công tước xứ York cùng nhiều thành viên Hoàng tộc khác.

Khi nhà vua hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta tha tội chết cho ngươi?”, T. Blood liền đáp vẻ nhún nhường: “Tôi sẽ cố gắng để xứng đáng với điều đó, muôn tâu bệ hạ!”. Ngay lập tức Vua Charles II ra lệnh trả tự do cho viên đại tá thuộc quyền, đồng thời còn ban tặng y đất đai trong vùng Ireland vừa chinh phục cùng tiền lương 500 bảng mỗi năm. Thay vì bị hành quyết xử trảm, không một tên nào trong đám đánh cướp báu vật bị xử phạt cả, đây là ẩn số khiến giới sử gia Anh vẫn tranh cãi không ngớt cho đến tận ngày nay.

Theo nhiều người thì đức vua không muốn gây thù chuốc oán với những người ủng hộ T. Blood; số khác lại quả quyết Charles II đã cảm phục trước lòng can đảm của viên sĩ quan tội đồ, cũng như thói xấc xược của y khi mạnh miệng tuyên bố rằng Vương miện Thánh Edwards chỉ đáng giá chừng 6.000 bảng, trong khi giá chính thức được ghi trong gia phả Hoàng gia là hơn 100.000 bảng.

Vụ trộm hy hữu gây chấn động kinh thành London trong thế kỷ XVII đã trở thành đề tài được giới văn sĩ, biên kịch và đạo diễn khắp thế giới tận dụng khai thác. Kinh đô điện ảnh Hollywood ở Mỹ đã cho phát hành nhiều bộ phim về nhân vật Thomas Blood. Còn trong lĩnh vực văn học, sự kiện này được khắc họa trong cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh của nhà văn Italia Rafael Sabatini (1875-1950) có tựa đề “Captain Blood: His Odyssey” (Thuyền trưởng Blood: Những chuyến phiêu lưu) ấn hành vào đầu năm 1922.

Theo Theo An Ninh Thế Giới