Vụ thông thầu tại Trung tâm VNCERT: Tiếp tục điều tra dấu hiệu sai phạm trong phân bổ nguồn vốn

TPO - Theo Viện KSND Tối cao, vụ án có dấu hiệu sai phạm trong phân bổ nguồn vốn, một số đối tượng phạm tội chưa đến mức xử lý hình sự nhưng cần xử lý về mặt Đảng, hành chính.

Nhiều bị can tự nộp lại tiền

Như Tiền Phong đưa tin, sau một tháng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) cùng 12 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hành vi phạm tội của bà Nhàn và nhóm đồng phạm xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và các đơn vị liên quan.

Cơ quan truy tố xác định, VNCERT thành lập năm 2005, từ tháng 10/2019 sáp nhập thành đơn vị thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông. Trung tâm có nhiệm vụ chủ trì xây dựng đề án, dự án về ứng cứu sự cố máy tính và an toàn thông tin mạng.

Năm 2016, VNCERT triển khai dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật để theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế. Mục tiêu đầu tư dự án đưa ra là đảm bảo khả năng giám sát trực tiếp, phân tích dữ liệu đạt 1.000 sự cố; đảm bảo khả năng giám sát an toàn thông tin gián tiếp từ xa cho 60 cổng thông tin điện tử phục vụ Chính phủ điện tử.

Ngoài ra, dự án còn có mục đích để phân tích, phát hiện tấn công mạng và khả năng phát hiện mã độc APT bằng công nghệ Sandbox.

Đầu 2017, VNCERT chỉ định Công ty Khang Phát là đơn vị tư vấn khảo sát, tư vấn lập dự án với 12 gói thầu. Biết thông tin này, bà Nhàn cho nhân viên đến VNCERT để phối hợp cùng xây dựng danh mục thiết bị, phần mềm dự kiến sẽ mua sắm của dự án.

Đầu tiên, Công ty AIC giới thiệu hệ thống thiết bị sử dụng công nghệ của Isarel trị giá khoảng 300 tỷ đồng nhưng VNCERT cho rằng giá cao lại không tương thích với các thiết bị có sẵn. Khi chốt xong danh mục thiết bị, bà Nhàn chỉ đạo thuộc cấp liên hệ với các hãng để hỏi giá trước. AIC sau đó cộng thêm 40% để ra giá dự toán và thống nhất với VNCERT đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Sau khi VNCERT phát hành hồ sơ mời thầu, bà Nhàn chỉ đạo nhân viên, đề xuất cho AIC tham gia gói thầu số 8 trị giá hơn 70 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo cho Công ty Cổ phần Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) làm "quân xanh" cùng dự thầu.

Theo Viện kiểm sát, Công ty AIC đã trúng gói thầu số 8, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước 17,2 tỷ đồng.

Hành vi “thông thầu” thành công, bà Nhàn tiếp tục cử cấp dưới đưa 1 tỷ đồng cho bị can Nguyễn Trọng Đường (cựu Giám đốc VNCERT). Ông này nhận tiền, chia cho nhân viên và giữ lại 200 triệu đồng sử dụng.

Viện kiểm sát đánh giá đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm. Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn có vai trò chỉ đạo đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cơ quan điều tra đang truy nã, kêu gọi đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Trường hợp bà Nhàn không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử.

Các bị can còn lại Viện kiểm sát cho rằng họ đều thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án; một số bị can vận động gia đình nộp tiền thay để khắc phục hậu quả.

Cụ thể, bị can: Nguyễn Trọng Đường (cựu Giám đốc Trung tâm VNCERT) nộp 600 triệu đồng. Các bị can là cựu nhân viên VNCERT, cựu nhân viên AIC, gồm: Nguyễn Quốc Việt nộp 46 triệu đồng; Đỗ Văn Sơn nộp 200 triệu đồng; Đặng Xuân Minh nộp 56 triệu đồng; Nguyễn Văn Thế nộp 100 triệu đồng; Mai Phương Nam nộp 30 triệu đồng; Nguyễn Vũ Cường nộp 100 triệu đồng; Ngô Quang Huy nộp 100 triệu đồng; Nguyễn Thị Anh Hồng nộp 50 triệu đồng; Trần Duy Hiếu nộp 100 triệu đồng; Trần Nguyên Chung nộp 65 triệu đồng; Nguyễn Huy Hùng nộp 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, một số cá nhân tự nguyện nộp lại số tiền được Nguyễn Trọng Đường cho vào dịp lễ, tết, gồm: Nguyễn Đức Tuân nộp 20 triệu đồng; Đinh Thị Như Hoa nộp 20 triệu đồng; Nguyễn Thanh Minh nộp 20 triệu đồng.

Bị can Nguyễn Trọng Đường.

Sẽ điều tra việc phân bổ nguồn vốn

Liên quan đến việc phân bổ vốn dự án, Viện KSND Tối cao cho hay, kết quả điều tra xác định có dấu hiệu sai phạm, tuy nhiên hậu quả thiệt hại vụ án do hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây ra, không có mối quan hệ nhân quả với việc phân bổ vốn cho dự án.

Mặt khác, đối tượng chính là Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn nên chưa làm rõ được có hay không hành vi tiêu cực, chi phối Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc đề xuất xin vốn. Sau khi truy bắt được Nguyễn Thị Thanh Nhàn sẽ tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Trong vụ án, ngoài nhóm bị truy tố, Viện kiểm sát cáo buộc một số đối tượng thuộc VNCERT (gồm: Nguyễn Đức Tuân, Đinh Thị Như Hoa, Hoàng Đăng Trị, Nguyễn Thanh Minh, Bùi Thị Minh Hà) tham gia Tổ chuyên gia, Tổ thẩm định dự án, Ban quản lý dự án, tham gia xây dựng danh mục thiết bị. Riêng bà Dương Thị Minh, Kế toán trưởng VNCERT ký hợp thức các thủ tục đề nghị chỉ định Công ty Khang Phát làm đơn vị tư vấn khảo sát lập dự án.

Theo bên truy tố, nhóm đối tượng trên không có hành vi thông đồng với nhà thầu, không vụ lợi nên chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự nhưng cần đề nghị xử lý về Đảng, hành chính.

Đối với ông Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) khai có biết Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ cuối năm 2016, nhưng ông Tuấn không chỉ đạo bị can Nguyễn Trọng Đường phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng thầu. Quá trình điều tra, ngoài lời khai của Nguyễn Trọng Đường về việc “hiểu ý ông Tuấn chỉ đạo cho Công ty AIC trúng thầu” không có tài liệu khác chứng minh, nên chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự. Cá nhân ông Tuấn bị phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ” trong đại án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, cuối năm 2019.

Trường hợp khác là ông Nguyễn Minh Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị cho rằng đã ký quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và kế hoạch đấu thầu đợt 1 của dự án.

Tuy nhiên, ông Hồng ký quyết định khi mới được giao phụ trách lĩnh vực này 10 ngày trên cơ sở đề xuất của Vụ Kế hoạch tài chính trong báo cáo thẩm định. Cá nhân ông không thông đồng với Công ty AIC, không vụ lợi, nên thực hiện chính sách phân hóa, Cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự mà kiến nghị xử lý về Đảng, hành chính là phù hợp.