> Vũ Tùng Phương – Người thổi ngọn gió mới vào hip hop Việt
> Thanh "hip hop" đậu thủ khoa
> Gợi cảm nữ sinh Ngoại thương
Hip hop hay Jazz là hai thể loại không còn xa lạ gì với mọi người. Còn hiphop – jazz: sự kết hợp ngẫu hứng giữa phong cách nhảy hiphop và những động tác kỹ thuật trong các môn nhảy khác như ba lê, yoga hay belly dance - hãy vẫn còn khá mới mẻ với các bạn trẻ Việt Nam.
Nếu như thể loại này phát triển ở nhiều nước, nhất là Nhật Bản và Mỹ thì hiphop – jazz mới vào Việt Nam chừng dăm năm trở lại đây. Điểm dễ nhận thấy, hiphop - jazz so với múa cổ điển, múa đương đại là âm nhạc. Nếu những bài múa đương đại, cổ điển là những bản nhạc không lời thì hiphop – jazz diễn trên nền nhạc Pop, RnB hay hip hop.
“Hiphop - jazz không phải là bộ môn thuộc thể loại đối kháng nên ít tạo sự cuồng nhiệt, hay tạo ra được làn sóng mạnh mẽ cao trào với đám đông như hiphop. Nếu hiphop dành cho những ai yêu thích sự cuồng nhiệt, muốn hòa vào sự máu lửa, thì hiphop – jazz hướng tới những người yêu mến những cảm xúc đa chiều: có khi bùng cháy, vui vẻ yêu đời, có khi sâu lắng, trầm tư mang đầy nội tâm.” – Huyền Trang so sánh.
Coi trọng các bước khởi động, hiphop - Jazz giúp người tập kéo giãn được cơ thể, tách các cử động trên từng bộ phận như đầu, cổ, vai, ngực, hông, và hạn chế được khá tối khả năng gặp chấn thương trong lúc tập luyện… Yếu tố có tính quyết định tới bài diễn chính là cảm xúc. Theo như Huyền Trang: Cảm xúc chiếm tới 60 – 70% thành công của một bài diễn.
Học viên theo học lớp hiphop – jazz chủ yếu là các bạn sinh viên. Trần Thanh Tùng, một trong những bạn nam ít ỏi của lớp chia sẻ: Tùng đã học ở đây được 3 tháng và muốn gắn bó lâu dài với phong cách nhảy này. "Hiphop - jazz giúp con người giải tỏa căng thẳng và thỏa sức sáng tạo", Tùng hào hứng nói.
“Được nhảy là một niềm hạnh phúc”
Nói về mình, Huyền Trang dí dỏm “Em là lứa 9x đời đầu, sinh vào tháng 9 năm 1991, hiện tại em đang theo học khoa Tiếng Anh viện Đại học Mở và trường Cao đẳng Múa Việt Nam”. Trong gia đình, bố mẹ là công nhân viên chức, cô là người đầu tiên đi trên con đường nghệ thuật. Cô cũng rất tự hào khi được bố mẹ tâm lý luôn ủng hộ quyết định học trường Múa.
Kể về mối duyên với hiphop - jazz, Huyền Trang cho hay: cô biết đến bộ môn này từ năm 2008. Là một trong ba người được cô giáo Hitmomi Nguyễn Thị Báu (tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Tổng hợp Nhật Bản) trực tiếp chỉ dạy.
Sau một năm theo học, Trang được cô Hitomi Báu cho đứng lớp. Chừng hơn nửa năm sau, 19 tuổi, Huyền Trang chính thức đứng lớp riêng ở Hiphop Jazz Dance Center 1A Tăng Bạt Hổ cho tới nay.
Trang vẫn nhớ những ngày đầu mới đến bộ môn này phải tập luyện vất vả như thế nào. Học ở trường kín lịch cả sáng lẫn chiều. Phải dành thời gian ở nhà tự luyện tập và theo gần như tất cả các lớp do cô Báu dạy. Có lần tập luyện chuẩn bị cho giải đấu Yamaha dancing Cup (2009), cũng là lúc cô bạn ôn thi tốt nghiệp lớp 12, áp lực đè nặng lên tâm lý và sức khỏe. Có hôm cô bạn khóc ngon lành khi đang tập…
Kể về thành tích đạt được cùng với Hip hop – Jazz, cô giáo 9x này khiêm tốn: “thành tích mình đạt được lớn nhất đó chính là vượt qua được chính mình. Vượt qua được những lúc mệt mỏi, nản chí do áp lực học tập trường lớp để duy trì luyện tập hip hop – jazz. Bây giờ, điều hạnh phúc của cô giáo trẻ này giản dị lắm! Đó là được nhảy. "Nhiều hôm bật nhạc lên, em cứ nhảy, đối với em được nhảy là một niềm hạnh phúc!" – cô tâm sự.
Giáo viên chỉ đóng vai trò người hướng dẫn các bước nhảy cơ bản, cách di chuyển theo đúng nhịp nhạc, còn người học được tự do thể hiện sự sáng tạo, cũng như cái "tôi" của mình. Trang suy nghĩ trách nhiệm của mình là làm cho tốt nhiệm vụ truyền lửa đam mê cho những người yêu nhảy. Đồng thời luyện tập nâng cao bản thân”.
Và giờ đây, hằng tuần, 9x Huyền Trang vẫn kín lịch học ở viện Đại học Mở, Cao đẳng Múa và lịch đi dạy. Cô bạn chia sẻ: Giờ chỉ còn hai ngày thứ 7 và chủ nhật để tranh thủ làm hết những việc của tuần như chuẩn bị bài vở ở trường; luyện tập và dựng bài cho những buổi lên lớp dạy nhảy hiphop – jazz; cả ra ngoài cùng bạn bè.