Vụ cô dâu Hùynh Mai bị sát hại: Kẻ sát nhân nói gì trước tòa?

>> Kẻ giết cô dâu Việt Huỳnh Mai bị kết án 12 năm tù

Chang chỉ học được đến cấp II, sau đó vào quân đội rồi xuất ngũ tự lao động kiếm sống.

Ở tuổi ngoài bốn mươi, Chang quyết định kết hôn vì mặc cảm rằng nếu không kết hôn thì mọi người sẽ nghĩ rằng Chang là người khờ khạo, không đủ năng lực lấy vợ.

Lúc đầu Chang gặp mặt một số phụ nữ Hàn Quốc, nhưng theo Chang thì họ tỏ ra quá thực tế nên trong một lần lao động ở Cheonan, Chang phát hiện dịch vụ môi giới hôn nhân quốc tế.

Để có vợ, Chang phải bỏ ra 10 triệu won (hơn 10.000 USD) cho công ty môi giới, số tiền mà gần như là toàn bộ số tài sản của Chang lúc bấy giờ.

Chang vô gia cư, vô nghề nghiệp, từng có tiền án sáu lần bị tòa án phạt tiền vì hành vi bạo lực với người khác khi say rượu.

Theo giám định tâm thần trong bản án có thể suy luận người đàn ông 41 tuổi này có đời sống tâm lý cực kỳ bất an. Chang có vấn đề với chất alcohol, khi bia rượu vào rất dễ đánh mất khả năng kiểm soát hành vi, có xu hướng sử dụng bạo lực với người khác. Chang còn có những bệnh lý tâm thần khác như triệu chứng stress, trầm cảm, mắc chứng mộng tưởng thiệt hại (lúc nào cũng nghĩ mình là kẻ bị thiệt thòi, bị thiệt hại...), chứng kích ứng ngăn trở sau khi bị thương tổn (PTSD - một loại chấn thương tinh thần của những người từng có những cú sốc như tai nạn, thiên tai, khủng bố, bị bạo lực...).

Trong đời sống hôn nhân với Huỳnh Mai, người đàn ông này thừa nhận có những cảm giác bất an do bất đồng ngôn ngữ không giao tiếp được với vợ, do điều kiện kinh tế khó khăn... nhưng ông ta nói rằng cũng có những lúc thích vợ.

Những ngày gần thời điểm xảy ra án mạng, Chang cũng đang căng thẳng với một số vấn đề nhà cửa mà Chang đang thuê.

Ở vụ án Huỳnh Mai, những kẻ môi giới cũng lẩn tránh khi tòa án Deajeon cố gắng liên hệ để thông báo cho gia đình nạn nhân, cũng như tìm hiểu địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, quá trình trưởng thành... của người bị hại. Còn gần đây tro cốt thi hài cô dâu nhảy lầu tự tử Trần Thanh Lan cũng được gửi về gia đình qua đường xe đò mà không một lời nhắn gửi, không một lời giải thích... Nếu bảo rằng các cô dâu là những món hàng nhập khẩu thì với những kẻ môi giới hẳn coi đó là những món hàng rẻ mạt, bởi vì khi đã đút túi gọn những đồng tiền môi giới thì họ phủi tay không chút thương tâm, không chút trách nhiệm dù đó là cái đạo lý tận cùng nhất: "nghĩa tử là nghĩa tận".

Quá trình xảy ra án mạng được bản án thuật lại là lúc 21h30 ngày 26.6.2007. Chang trở về nhà sau một ngày làm việc nặng nhọc trong điều kiện thời tiết nóng bức.

Chầu nhậu với bạn bè trước đó cũng khiến trong người gã đàn ông này có hơi men. Khi thấy người vợ 19 tuổi chuẩn bị rời nhà với giỏ xách đầy đủ giấy tờ, passport, quần áo... Chang cố gắng ngăn cản với vốn liếng tiếng Việt bập bẹ: "Kết hôn, kết hôn...".

Khi Huỳnh Mai nói: "Không!" và một mực bỏ đi thì trong đầu Chang chợt lóe lên suy nghĩ rằng ông ta bị lừa dối kết hôn ngay từ đầu và người vợ đang muốn bỏ rơi ông ta.

Đến phút cuối cùng ấy cả Chang và cô gái đáng thương cũng không hề có một cơ hội để hiểu nhau.

"Tôi cũng là con người mà, làm sao tôi có thể hành động như vậy? Nhưng lúc đó tôi là đồ điên" - người đàn ông đã sát hại vợ bằng cách đánh đập khiến nạn nhân chết với 18 cái xương sườn bị gãy đã tỏ ra hối hận như vậy.

Ông ta nói có lẽ lúc đó rượu đã khiến đầu óc của ông u mê, mụ mẫm. Chang cũng tỏ ra ân hận rằng giá như ông đừng tham gia vào kiểu hôn nhân quá thiếu cẩn trọng và thiếu hiểu biết giữa ông và Huỳnh Mai. Thậm chí khi tòa án hỏi quê quán của vợ thì ông cũng không biết quê vợ ở đâu (!).

Hôn nhân vội vã là mầm mống của tai ương

"Dù phạm tội trong điều kiện nào, diễn biến ra sao thì bị cáo cũng đã có hành vi sát hại người vợ 19 tuổi một cách thảm khốc. Hậu quả vụ án là đặc biệt nghiêm trọng nên không thể không truy cứu trách nhiệm hình sự một cách nghiêm minh", đó là quan điểm buộc tội của Tòa án thành phố Deajeon.

Thái độ thông cảm và chia sẻ với nỗi đau của Huỳnh Mai và gia đình nạn nhân cũng được bản án bày tỏ: "Tòa án chúng tôi mong muốn gửi đến những sự an ủi dù là ít ỏi cho vong hồn của nạn nhân khi đã bị cướp đi cuộc đời một cách quá ngắn ngủi".

Tuy vậy, xét tuổi tác, bệnh án tâm thần của bị cáo, cũng như hành vi phạm tội của bị cáo là trạng thái bị kích động tức thời chứ không giết người do mưu kế trước... nên Tòa phúc thẩm Tòa án Deajeon cho rằng mức án 12 năm tù được tuyên theo bản án sơ thẩm ngày 9.10.2007 của bị cáo Chang là thích đáng, không quá nặng cũng không quá nhẹ. 

Mặt khác, bản án của thẩm phán Kim Sang Jun cũng hy vọng vụ án không chỉ khép lại với việc quy trách nhiệm cho cá nhân bị cáo Chang mà phải xem xét lại toàn bộ mặt sáng và mặt tối của hôn nhân quốc tế. Ở đó, theo bản án, những cuộc hôn nhân vội vã, bất đồng văn hóa, ngôn ngữ... như trường hợp cô dâu Huỳnh Mai luôn "tiềm ẩn những mầm mống của tai ương".

Ở phần cuối bản án, sự nhẫn tâm của những kẻ môi giới hôn nhân một lần nữa khiến dư luận phải căm phẫn. Họ là những kẻ đứng ra tổ chức những cuộc hôn nhân vội vã, khuyên các ông chồng Hàn Quốc phải quản lý các cô dâu đến ngạt thở vì lo sợ họ sẽ bỏ trốn, điều đó khiến nhiều cô dâu trầm uất dẫn đến những hành động hủy hoại bản thân vì quẫn trí...

Hôm qua 14.3, bà Trần Thị Giang - là mẹ ruột của Huỳnh Mai từ ấp Ngọc An, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang bày tỏ bức xúc. Bà Giang nói không bằng lòng với cách xét xử như vậy vì người chồng của con gái bà chưa bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, dù chỉ là một đồng danh dự.

Bà nói: "Số tiền lớn mà tôi nhận được chỉ là số tiền quyên góp từ các nhà từ thiện giúp đỡ chứ không phải bồi thường thiệt hại về cái chết của con tôi. Tôi đòi hỏi công bằng không phải để cho gia đình tôi mà vì muốn cảnh báo cho những gia đình khác, đừng vì muốn được sung sướng mà phải rơi vào hoàn cảnh như con tôi".

Theo Quang Thi
Thanh Niên