Vốn điều lệ 200 tỷ, McDonald’s lỗ hơn 500 tỷ sau 4 năm vào Việt Nam

Đến cuối năm 2017, số lỗ lũy kế của chuỗi nhà hàng fast food này lên tới 490 tỷ đồng, gấp 2,5 vốn điều lệ và dẫn đầu về số lỗ trong nhóm những chuỗi nhà hàng ăn nhanh trên thị trường.

Ngành công nghiệp fast food bùng nổ trên khắp thế giới, và những chuỗi như McDonald’s và Burger King đang đứng đầu thị trường đạt tổng giá trị 651 tỷ USD này. Tuy nhiên, có 1 nơi hiếm hoi mà các ông lớn không thể cất cánh: Việt Nam.

Năm 2014 khi McDonald’s mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, đã có hàng dài người xếp hàng chờ nhiều tiếng đồng hồ để được mua những chiếc bánh BigMac đầu tiên. Nhưng hình ảnh đó không được duy trì lâu, sau 4 năm tham gia thị trường từ tham vọng mở hàng chục cửa hàng trải dài khắp cả nước, McDonald’s hiện mới chỉ có 17 cửa hàng.

Đầu tư địa điểm ở những vị trí có giá thuê đắt đỏ như Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội hay phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM, kết quả kinh doanh không như kỳ vọng được phản ánh ngay trên số liệu tài chính của Công ty cổ phần Good Day Hospitality – đơn vị quản lý chuỗi nhà hàng McDonald’s. Và tất nhiên, đây đều là những con số âm.

 

Năm 2017, đơn vị quản lý chuỗi McDonald’s đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp hơn 53%, tương đương với những chuỗi nhà hàng hiện nay. Tuy vậy, công ty này báo lỗ tới 150 tỷ đồng do lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh không thể bù được chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp quá lớn. Trước đó năm 2016, McDonald’s Việt Nam cũng lỗ 115 tỷ đồng với doanh thu hơn 220 tỷ.

Trung bình trong hai năm này, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của McDonald’s Việt Nam chiếm tới 86-87% tổng doanh thu, chưa kể giá vốn hàng bán đã chiếm hơn 45%.

Tính tới cuối năm 2017, số lỗ lũy kế của chuỗi này sau 4 năm góp mặt ở thị trường Việt Nam là gần 500 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 200 tỷ.

 

Trong bài viết mới đây, tờ CNBC nhận định thất bại của McDonald’s và Burger King tại thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam là khá "kỳ lạ". Không chỉ trên toàn thế giới, ở châu Á nói riêng những chuỗi này đã chứng minh được thành công vang đội ở nhiều thị trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Hảo Trần - Đồng sáng lập website Vietcetera chia sẻ với CNBC: "Các chuỗi đồ ăn nhanh nước ngoài không được ưa chuộng ở Việt Nam vì khi người Việt ăn hàng họ có thể dễ dàng mua đồ ăn ví như 1 bát phở hay 1 cái bánh mì từ những gánh hàng rong trên đường phố. Dường như các ông lớn fastfood đã đánh giá quá thấp các đối thủ tại địa phương mà họ sẽ phải cạnh tranh. Người dân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - nơi McDonald's và Burger King mở cửa hàng có rất nhiều lựa chọn".

Đầu bếp, tác giả sách Andrea Nguyễn thì cho biết: "Bánh mì truyền thống của Việt Nam có giá rất rẻ so với bánh kẹp của McDonald’s và Burger King".

Theo số liệu của EC, người Việt chi một lượng lớn thu nhập cho thực phẩm và 78% số tiền đó được tiêu cho các hàng hoá rong ven đường, chợ truyền thống. Chỉ 1% được chi tiêu vào các cửa hàng fastfood.

Ngành dịch vụ đồ ăn của Việt Nam cũng không hề kém sự lựa chọn khi có hơn 540.000 cửa hàng, trong đó hơn 430.000 là những hàng bán rong và các cửa tiệm nhỏ lẻ trên phố của người dân địa phương. 80.000 cửa hàng là phục vụ cả khách ăn tại chỗ, mang về hay đặt hàng trực tuyến, gồm cả đồ ăn và đồ uống. 22.000 là các quán bar và cà phê. 7.000 trong số đó là các cửa hàng thuộc về các chuỗi fastfood.

Theo Theo Trí thức trẻ