Xin nói ngay là tôi không hề có ý chê vợ là hàng giảm giá, chỉ muốn nhờ chị hướng dẫn cách nào để chữa khỏi bệnh ham mua hàng giảm giá của vợ tôi. Vợ tôi gần như dành toàn bộ thời gian, công sức vào việc săn tìm các loại hàng giảm giá từ quần áo, thực phẩm, đến phiếu giảm giá tại các nhà hàng, quán ăn.
Trông cô ấy lúc nào cũng như một cây hàng giảm giá, từ quần áo, giày dép đến giỏ xách... Cô ấy còn khiến cả gia đình điêu đứng. Tôi trở thành nạn nhân của các vụ giảm giá nhà hàng, tiệm cà phê vì phải chở vợ đến những địa chỉ theo phiếu cô ấy mua được, lại phải đúng giờ nhà hàng đã thông báo, ăn uống đúng những thứ được giảm theo quy định.
Các con tôi thì phải đăng ký học ngoại ngữ theo chương trình giảm giá, bị mẹ nhờ xếp hàng mua đồ giảm giá. Nói chung là bất kỳ kế hoạch nào vợ tôi đưa ra cho gia đình, dù kỳ lạ đến đâu thì cả nhà cũng hiểu là do một nơi nào đó đang giảm giá, bán phiếu.
Riết rồi các con tôi cũng bị “lây bệnh” lệ thuộc vào hàng giảm giá của mẹ. Đáng lo hơn là, ngân quỹ gia đình sút giảm hẳn. Cô ấy chi nhiều tiền vào việc mua sắm những thứ không cần thiết, mua với số lượng nhiều rồi về để đó, thấy quảng cáo “rẻ” là mua, không cần biết có thực rẻ hay không và mình có cần hay không.
Tôi đã nói rất nhiều về chuyện này, thậm chí dọa sẽ không đưa tiền cho cô ấy nữa, nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Vợ chồng thường xuyên tranh cãi chuyện tiêu pha tiền bạc, cô ấy còn lên án tôi là đàn ông mà keo kiệt, vợ đã tiết kiệm tìm mua đồ giảm giá, còn muốn gì nữa? Tôi thực sự rất khổ tâm…
Nguyễn Hưng (TP.HCM)
Anh Hưng thân mến,
Phụ nữ thích mua sắm, gần như đó là một bản năng khó cưỡng. Phụ nữ cũng có rất nhiều lý do để mua sắm, ngoài việc thứ đó cần, thứ đó ngon, còn vì thứ đó lạ, đẹp, người khác chưa có… và cuối cùng là vì rẻ. Nhiều chị em bị mê hoặc bởi hàng giảm giá, nên cái lý do cuối cùng này có khi lấn át tất cả, trở thành nguyên nhân chính thúc đẩy các chị mua sắm. Căn bệnh này đúng là cần phải được chữa trị.
Tuy nhiên, khó có thể chữa lành bệnh bằng cách cắt giảm bớt tiền, vì càng ít tiền, có thể “người bệnh” càng phải tập trung hơn vào việc… tìm hàng giảm giá và khi đã sa vào ma trận rồi thì việc định mua thứ này nhưng rốt cuộc lại mua thứ khác là chuyện bình thường.
Vì vậy, đầu tiên hãy tìm cách kéo cô ấy ra xa khỏi thế giới hàng giảm giá. Có thể, anh tạo cho cô ấy một trải nghiệm nguyên giá, đáng giá, ví dụ như mời vợ đi ăn tối hay đi cà phê tại một nơi thực sự thư giãn, chiều ý cô ấy trong mọi việc, mọi món mà cô ấy thích và cuối cùng là… tự trả tiền, nhất định không để cô ấy ngó vào hóa đơn!
Nói chung là anh cần làm một việc gì đó để cô ấy nhận ra tự do thực sự của con người khi làm chủ đồng tiền, không bị mấy phần trăm giảm giá khống chế. Cô ấy sẽ hiểu, có vài thứ không nên mua giảm giá, nói đúng hơn là không nên bị giảm giá.
Ngoài ra, phụ nữ cũng thường được động viên bằng cách khoe khoang sự giỏi giang của mình qua việc mua được hàng tốt, giá rẻ. Các câu chuyện về giá luôn là đề tài trung tâm của họ. Anh có thể tìm cách thay thế vào đó các câu chuyện về chất lượng, về giá trị sử dụng của món đồ, như một cách cân bằng, từ từ thay đổi suy nghĩ của cô ấy, không phải cứ cái nào rẻ là mua
Anh lo thói quen này ảnh hưởng xấu đến gia đình là đúng, nhất là vào dịp cuối năm này. Nhưng, muốn giữ gia đình được yên vui, những góp ý của anh cũng nên nhẹ nhàng, mang tính xây dựng chứ không nên là những lời chỉ trích nặng nề.
Đối với những món vợ đã mất nhiều công sức lùng mua, nếu thực sự giá tốt và chất lượng tốt, anh cũng nên dành lời khen cho vợ, động viên cái tinh thần thực sự tiết kiệm vì gia đình của cô ấy. Được vậy, cơn nghiện hàng giảm giá của vợ anh sẽ chóng qua.