“Để bóng đá phát triển, V.Leauge thu hút được đông đảo khán giả cần thiết phải có sự chung tay hỗ trợ của giới truyền thông. Chúng tôi rất hy vọng vào điều này trong tương lai”- Ông Viễn cho biết.
Đã có những ý kiến lo ngại về tình trạng sụt giảm khán giả ở sân chơi V.League trong mùa giải mới thưa ông?
-Tôi cho rằng chúng ta cần phải đánh giá một cách toàn diện. Một số sân vận động đúng là cũng có vắng thật, ví dụ như Hàng Đẫy. Nhưng nếu cứ nhìn vào Hàng Đẫy rồi nhận định thì không chính xác.
Sân Lạch Tray của Hải Phòng trước giờ khai mạc 4 tiếng đã bán hết vé khán đài A, vào trận là gần kín chỗ. Sân Chi Lăng của SHB Đà Nẵng, CĐV tới khoảng 10.000 người. Ở các mùa giải trước, những sân như Th
anh Hóa, Bình Dương hay Ninh Bình cũng đều rất đông khán giả. Con số trung bình hơn 7.000 khán giả ở lượt trận khai mạc tôi nghĩ cũng không phải quá thấp. Giải VĐQG Thái Lan, số lượng khán giả trung bình chỉ 6.000 người/trận.
Vắng khán giả vẫn được xem là điểm yếu của V.League những mùa giải gần đây. Năm nay VPF đã có kế hoạch gì để thu hút thêm lượng CĐV đến sân chưa thưa ông?
“Chúng tôi lấy làm mừng vì Siêu cúp khai mạc đầu mùa giải diễn ra tốt đẹp. Đấy cũng là một tín hiệu tích cực để chúng ta hy vọng vào một mùa giải thành công phía trước”.
Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn
-Tôi cho rằng người hâm mộ không bao giờ hết yêu và ủng hộ bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, có những thời điểm V.League chịu ảnh hưởng từ thành tích của ĐTQG hay U23 nên lượng khán giả cũng có sự trồi sụt.
Trong tương lai khi bóng đá phát triển chuyên nghiệp hơn, chất lượng giải tốt hơn, thì sẽ lôi kéo được đông đảo hơn khán giả đến sân.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh đến vài trò quan trọng của truyền thông trong quá trình này. Sự ủng hộ của truyền thông đóng vai trò quan trọng. Nếu V.League là một sản phẩm thì tôi nghĩ rằng khâu tiếp thị hình ảnh cho V.League là hết sức cần thiết. Vấn đề này tuỳ thuộc vào sự chung sức của truyền thông.
Nói về chất lượng V.League, ông có lo ngại tình hình kinh tế khó khăn sẽ khiến ảnh hưởng tới sự chuẩn bị của các CLB cho giải đấu?
-Kinh tế khó khăn là tình hình chung, ảnh hưởng tới mọi mặt trong đời sống kinh tế-chính trị-xã hội chứ không riêng các CLB. Rõ ràng việc doanh nghiệp khó khăn khiến đầu tư cho bóng đá giảm. Bản thân VPF cũng gặp khó khăn về tài chính.
Tới thời điểm hiện tại chỉ mới V.League có nhà tài trợ, còn hạng Nhất vẫn đang tìm kiếm. Tuy nhiên nhiều CLB mùa giải này vẫn có quá trình chuẩn bị rất tốt.
Ví dụ như B.Bình Dương, vừa qua mua sắm lực lượng rất mạnh. Hà Nội T&T, SLNA hay SHB Đà Nẵng đều có lực lượng ổn định, ngoại binh tốt…Tôi nghĩ rằng mùa giải năm nay vẫn rất hấp dẫn và gay cấn.
Khán giả quay lưng với V.League vì thất vọng nhiều lần với những chuyện tiêu cực của giải đấu, ông nghĩ sao về ý kiến này? VFF và VPF năm nay có kế hoạch chống tiêu cực như thế nào?
-Tiêu cực trong bóng đá xảy ra ở nhiều giải VĐQG, kể cả những nền bóng đá phát triển. Chống tiêu cực là quá trình dài và cần sự phối hợp của nhiều phía.
Ở mùa giải này, chúng tôi lấy làm mừng vì Siêu cúp khai mạc đầu mùa giải diễn ra tốt đẹp chứ không như mùa giải trước. Đấy cũng là một tín hiệu tích cực để chúng ta hy vọng vào một mùa giải thành công phía trước.
Dĩ nhiên, ở góc độ tổ chức, chúng tôi cũng đã lên phương án chặt chẽ, với sự hỗ trợ của cơ quan an ninh để đảm bảo hạn chế tối đa xảy ra tiêu cực. Hy vọng là tới đây người hâm mộ có thể hài lòng với những gì các đội bóng thể hiện.
Ông nhận định thế nào về cuộc đua chức vô địch V.League năm nay?
-Hà Nội T&T là đội bóng có lực lượng ổn định và đồng đều, lối chơi rõ nét. Tuy nhiên nếu không có sự bổ sung thêm thì việc bảo vệ chức vô địch cũng không dễ. B.Bình Dương, tôi cho rằng điểm yếu là sự thiếu ổn định ở BHL.
Nếu họ khắc phục được nhược điểm này thì các đội bóng khác rất khó đánh bại. SLNA hay SHB Đà Nẵng cũng không thể bị loại khỏi cuộc đua.
Cảm ơn ông!