Vĩnh Phúc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hợp tác xã phục hồi

Tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các hợp tác xã phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, dự kiến đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 25 tổ hợp tác, 244 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 83.030 thành viên.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, tuy số lượng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp giảm so với thời điểm trước khi có Luật Hợp tác xã nhưng chất lượng được nâng cao. Đến hết năm 2021, tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các hợp tác xã đạt trên 239 tỷ đồng, trung bình thu lãi khoảng 100 triệu đồng/hợp tác xã/năm; bình quân thu nhập của thành viên, người lao động tham gia hợp tác xã đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân khi mạnh dạn ứng dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt vai trò liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu vào, đầu ra ổn định cho sản phẩm, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Qua đó, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn của tỉnh.

Đồng hành cùng các hợp tác xã, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách dành cho khu vực kinh tế này như: Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, đưa cán bộ trẻ về làm việc tại một số hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ vốn vay, giống, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia vào các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội nguồn nhân lực… Tuy nhiên, bên cạnh những hợp tác xã tích cực chuyển đổi về phương thức hoạt động, chịu đầu tư để mở rộng liên kết, liên doanh, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đa số các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn có quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ; nhiều hợp tác xã chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 đã phải giải thể hoặc hoạt động theo kiểu "bình mới rượu cũ”, không đáp ứng được nhu cầu hội nhập nên nông sản luôn phải đối mặt với điệp khúc "được mùa mất giá”... Đặc biệt, do thiếu sự đột phá và khả năng thích nghi với thiên tai, dịch bệnh, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 đến nay, một số hợp tác xã đang phải hoạt động cầm chừng, chờ giải thể, ngừng hoạt động.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động của dịch bệnh Covid-19, đầu tháng 9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đây được xem là “liều thuốc” hữu hiệu cho các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh .

Cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ, UBND tỉnh đã quyết định bổ sung thêm cho Quỹ Liên minh hợp tác xã tỉnh số tiền 20 tỷ đồng, nâng tổng quỹ lên gần 100 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành chức xây dựng Đề án Hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025; chủ động lên các phương án hỗ trợ bám sát nhu cầu cấp bách của hợp tác xã. Trong đó đặc biệt khuyến khích giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian áp dụng chính sách; hỗ trợ tiếp cận thuê cửa hàng trưng bày sản phẩm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành lên kế hoạch kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã nông nghiệp; rà soát, thống kê để hỗ trợ các hợp tác xã có đủ diện tích canh tác…

Cùng với cả nước, thời điểm này, tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển trạng thái từ chiến lược “không Covid-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền, các hợp tác xã cần có sự chủ động, nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, tìm ra những giải pháp, hướng đi phù hợp để có thể hấp thụ tốt các nguồn hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động.