Vinh danh thầy giáo 70 năm gắn với nghiệp 'trồng người'

TPO - Sáng 17/11, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh là thầy giáo duy nhất của Thủ đô Hà Nội vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đó là sự ghi nhận không chỉ của cơ sở, của ngành Giáo dục mà còn của Đảng và Nhà nước.

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2024. Tại buổi lễ, 21 nhà giáo trên toàn quốc vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Ngoài ra, còn có 65 Nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh là thầy giáo duy nhất của Hà Nội vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cao quý sau 70 năm miệt mài vì sự nghiệp trồng người.

Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Trọng Vĩnh, người sáng lập Trường Nguyễn Siêu bắt đầu sự nghiệp giáo dục của mình từ mùa thu 1954 lịch sử, khi ông từ Khu học xá Trung ương Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) trở về, hòa vào dòng người tiếp quản Thủ đô, làm công tác thanh thiếu nhi trường học, rồi trở thành giáo viên và Hiệu trưởng ở tuổi đôi mươi. Từ bấy tới giờ, phẩm chất và tinh thần của một “giải phóng quân” quật cường, phơi phới vẫn nguyên vẹn trong ông.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân sáng 17/11.

Tròn 70 năm ngành Giáo dục Thủ đô được thành lập cũng là 70 năm thầy Vĩnh gắn bó với nghề “trồng người”, dù là công tác ở trường Tiểu học, Trung học, Sư phạm, Quân đội hay khi đã ở tuổi an trí, quyết định đi mở trường dân lập.

“Từ năm 13 tuổi tới giờ, tôi chưa ngừng nghỉ một ngày nào cả”, nhà giáo tuổi 90 nói về quãng đời năng nổ và hăng say của mình bằng một nụ cười nồng ấm.

Quả vậy, dẫu là khi thanh xuân hay đã ở tuổi xưa nay hiếm, trong ông vẫn luôn thường trực tinh thần và ý chí quyết tâm mà những người trẻ có cơ hội đồng hành cùng ông cũng phải nể phục: Sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đương đầu với mọi thách thức, luôn tiên phong mở lối, đi trước đón đầu, vượt lên chính mình để kiến tạo cái mới, khát vọng vươn tầm thế giới.

Dù đang ở trong giai đoạn "mùa đông của đời người", ông chưa từng tỏ một mảy may buồn chán tuổi già. Bởi, theo ông, nếu đây là mùa đông không thể đừng đợi, ông sẽ giữ lửa trong lò của mình luôn ấm sáng rạng rỡ.

Với thế hệ kế cận, “nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, con gái của mình, cũng như với các đồng nghiệp trẻ, ông vẫn luôn chia sẻ những kế hoạch mới để cùng nhau nuôi dưỡng ý chí và đi xa trên con đường giáo dục hội nhập.

Mùa hè năm 2024, bất chấp những khó khăn về sức khỏe do tuổi tác và di chứng chiến tranh, ông đã tới châu Âu thăm ký kết hợp tác với các trường học có chung tầm nhìn và tương đồng trong triển khai chương trình Cambridge. Cũng chính trên hành trình đặc biệt ở tuổi 90 này, ông xúc động đón nhận quyết định trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân của Chủ tịch nước cho những đóng góp đầy tâm huyết, tận tụy với nghề giáo cũng như uy tín chuyên môn, tài năng sư phạm xuất sắc và tầm ảnh hưởng của ông đối với xã hội.

"Người mở lối"

Ở ngôi trường do mình sáng lập, trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, hội nhập quốc tế, các thế hệ thầy trò đã ghi những dấu mốc đáng tự hào: lớp lớp học sinh duy trì sức nóng Top in Viet Nam (điểm cao nhất Việt Nam) đến Top in the World (điểm cao nhất thế giới) trong các kỳ thi học thuật quốc tế; đào tạo giáo viên người Việt đạt chuẩn quốc tế, trở thành giám khảo trong các kỳ thi học thuật uy tín của thế giới, giành giải thưởng giáo viên Cambridge tận tâm toàn cầu…

Thành quả ấy có được chính là nhờ tầm nhìn xa và quyết tâm cao độ của người thầy với niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ người Việt và kỷ luật thép vốn có của một sĩ quan quân đội trong ông. Ông đã có chiến lược đào tạo liên tục và bài bản nhằm nâng tầm giáo viên người Việt, đảm bảo nguồn lực trẻ và dồi dào, ổn định cho chương trình quốc tế.

Nhờ đó, ông đã là người đưa nhà trường từ chỗ chỉ là một trường dân lập bình thường (1991), đi qua 12 năm long đong thuê mượn cơ sở dạy học, trở thành trường trường chất lượng cao (2014) và trường song ngữ quốc tế Cambridge (2014). Tới nay, hành trình ấy đã là 33 năm lịch sử và hơn 10 năm hội nhập với những bước tiến qua muôn trùng khó khăn song không một lần nản chí.

Thầy Vĩnh chụp ảnh cùng các thầy cô giáo trong ngày nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Người chiến sĩ trong ông không ngừng hiển hiện để truyền đi động lực; người thầy trong ông ngày ngày truyền cảm hứng yêu nghề dạt dào. Bởi thế mà đội ngũ nhà giáo của trường từ xưa tới nay luôn tận tâm, tận lực, dạy học sinh với quan niệm không chỉ dạy chữ mà còn dạy đạo đức, kỹ năng sống cho các em tự tin bước ra cuộc sống.

Người cho đi yêu thương

Là “người cao tuổi” đã lâu, nhưng NGND Nguyễn Trọng Vĩnh luôn mang tinh thần của một thanh niên tràn đầy nhựa sống. Để giữ được sức khỏe dẻo dai cả về thể chất lẫn tinh thần như thế, ông duy trì tập luyện thể lực và ăn uống lành mạnh, giữ một đời sống tinh thần phong phú: yêu thể thao, nghệ thuật, trải nghiệm du lịch, cập nhật công nghệ…

Không chỉ thế, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có đóng góp lớn vì lợi ích cộng đồng, đặc biệt là hướng về các cơ sở giáo dục ở những vùng miền xa xôi, nhiều thiệt thòi, gian khó bằng các chương trình thiện nguyện thường niên.

Năm 2020, ông đã đóng góp và vận động cộng đồng Nguyễn Siêu đóng góp, trao tặng các thiết bị phục vụ dạy học như máy vi tính, tivi, bàn ghế học sinh, bình lọc nước… với tổng số tiền 1 tỉ đồng cho ngành Giáo dục Quảng Trị khắc phục hậu quả lũ quét.

Năm 2023, 2024, trường Nguyễn Siêu cũng đồng hành với báo Tiền Phong trong chương trình “Nâng bước thủ khoa”, "Cùng Tiền Phong Nâng bước em tới trường”… để trao tặng những phần học bổng hỗ trợ học sinh mồ côi sau bão lũ hay sinh viên xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến .

Người thầy giáo từng đi qua vô vàn thăng trầm cuộc sống đong đếm qua gần một thế kỷ vẫn sống rất lạc quan, quý từng giờ để được cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người. Sự khiêm nhường, hóm hỉnh và uyên bác của ông khiến người đối diện liên tưởng tới câu ngạn ngữ của Nhật: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”.

Phát biểu tại buổi lễ vinh danh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, để đạt được danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp. Đây là ghi nhận không chỉ của cơ sở, của ngành Giáo dục mà còn của Đảng và Nhà nước. Các thầy các cô đã có nhiều đóng góp, đã đóng góp nổi trội và thể hiện sự ưu tú đó trong ngành.