Vinaconex 'mắc nghẹn' cục nợ ngàn tỷ

Cục nợ có tên Xi măng Cẩm Phả từng khiến Vinaconex “mắc nghẹn” tại 4 mùa đại hội đồng cổ đông gần đây liệu có được “nuốt trôi” trong tháng 4 này?

Vinaconex 'mắc nghẹn' cục nợ ngàn tỷ

> Thị trường bất động sản: Làn sóng chuyển sang nhà xã hội

> Đại gia bán nhà đất trả nợ giữ lấy uy danh 

Cục nợ có tên Xi măng Cẩm Phả từng khiến Vinaconex “mắc nghẹn” tại 4 mùa đại hội đồng cổ đông gần đây liệu có được “nuốt trôi” trong tháng 4 này?

 Ảnh: minh họa
 

Một trong những nội dung được quan tâm nhất tại đại hội cổ đông năm 2013 của Vinaconex dự kiến tổ chức trong tháng 4 này là thảo luận phương án thoái vốn tại Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả (CPC).

Quần quật cả năm để rồi gánh lỗ

Có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm, song sau 3 năm hoạt động, tính đến hết năm 2012, CPC lỗ lũy kế ước 1.700 tỷ đồng, vượt xa so với Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (chưa tính đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng). Năm 2011, Vinaconex đã phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính vào CPC 586,09 tỷ đồng. Năm 2012, Vinaconex phải trả nợ thay cho CPC số tiền lên tới 488,8 tỷ đồng, ngoài ra tiếp tục phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính vào CPC khoảng 960 tỷ đồng.

Tiếng là công ty cổ phần nhưng CPC là “con” của Vinaconex khi hiện nay Vinaconex sở hữu tới 99,6% vốn tại CPC (tương ứng với 1.990 tỷ đồng vốn điều lệ). Chính vì vậy, trong khi báo cáo tài chính công ty mẹ có lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, nhưng báo cáo tài chính hợp nhất của Vinaconex thì hoặc âm hoặc lãi vài chục tỷ đồng. Đã 2 năm nay cổ đông của Vinaconex không được hưởng một đồng cổ tức nào, năm 2012 dự kiến cổ đông vẫn tiếp tục chịu cảnh đầu tư “từ thiện”. rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ và cả cổ đông lớn của Vinaconex bức xúc về việc này.

“Cả hệ thống Vinaconex làm quần quật cả năm không đủ để gánh khoản lỗ của CPC. Ngay từ năm 2010, chúng tôi đã tuyên bố với Vinaconex, nếu không thoái được vốn tại CPC, chúng tôi sẽ thoái vốn tại Vinaconex, và chúng tôi đã làm như vậy”, một phó tổng giám đốc của Dragon Capital, quỹ đầu tư từng là cổ đông lớn của Vinaconex, kể lại.

Bị trói nhiều bề

Việc thoái vốn của Vinaconex tại CPC được đặt ra từ rất sớm, nhưng để thực hiện được lại rất gian nan. Tháng 2/2009, Credit Suisse chính thức giới thiệu thông tin về dự án Xi măng Cẩm Phả đến rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm cả nhà sản xuất xi măng và nhà đầu tư tài chính. Tuy nhiên, do khủng hoảng tài chính thế giới nên các nhà đầu tư không mấy hào hứng. Việc tái cấu trúc phần vốn của Vinaconex tại CPC tạm dừng từ tháng 6/2009. Tới tháng 4/2010, Vinaconex khởi động lại hoạt động tái cấu trúc phần vốn tại CPC. Do tình hình kinh tế xã hội có nhiều thay đổi theo hướng kém thuận lợi hơn trước nên những điều tư vấn trước đây của Credit Suisse về CPC không còn phù hợp.

Từ tháng 6/2010 có một số đối tác tham gia tìm hiểu dự án, trong đó có 2 đối tác thực sự quan tâm và tham gia sâu vào quá trình soát xét chi tiết đối với dự án là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và tập đoàn xi măng lớn nhất Đức là HeidelbergCement. Phía nước ngoài rất quan tâm. Tuy nhiên, có nhiều quy định ngặt nghèo liên quan đến thủ tục pháp lý khi Vinaconex thực hiện thoái vốn khiến việc bán cổ phần gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều yêu cầu được tham gia mua cổ phần với tỷ lệ chi phối hoạt động doanh nghiệp 51% - 65%. Với đối tác trong nước thì yêu cầu này không phạm luật, song Vicem đang khó khăn về tài chính và đưa ra những điều khoản không có lợi cho Vinaconex như: giá mua thấp, nợ tiền mua cổ phần trong vài năm... Với phía nước ngoài thì luật pháp Việt Nam chỉ cho sở hữu tối đa đến 49% cổ phần, muốn vượt lại phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Khó khăn lớn nhất là dự án CPC sử dụng vốn vay nước ngoài hợp vốn với nhiều ngân hàng do Bộ Tài chính bảo lãnh và vốn vay trong nước. Theo hợp đồng vay vốn CPC ký với các ngân hàng, khi Vinaconex thoái vốn phải có ý kiến của các ngân hàng nước ngoài (nếu bán cho nước ngoài).

Trên thực tế, khi làm thủ tục chuyển đổi CPC từ 100% vốn của Vinaconex sang công ty cổ phần, trong suốt giai đoạn 2009 - 2011, Vinaconex mới có được sự đồng ý của 2 ngân hàng nước ngoài. Đáng quan tâm hơn cả là, hiện các đối tác chỉ trả dưới mệnh giá 10.000 đồng cho mỗi cổ phần CPC, điều này đồng nghĩa Vinaconex phải chịu một khoản lỗ lớn khi thoái vốn. Vinaconex ở một chừng mực nào đó vẫn được coi là công ty nhà nước (tỷ lệ vốn nhà nước do Viettel và Vinaconex giữ hiện trên 51%), lãnh đạo nào đủ dũng cảm để quyết định một thương vụ dẫn đến khoản lỗ khủng cho nhà nước?

Những khó khăn trên đã dẫn đến sự chần chừ của ban lãnh đạo Vinaconex và khiến việc bán cổ phần ngày càng khó khăn hơn. Trao đổi với phóng viên bên lề một cuộc họp đầu năm nay, ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Vinaconex cho hay, việc đàm phán đang được nối lại rất quyết liệt và họ sẽ xin với Chính phủ cho bán tối đa 75% cổ phần tại CPC.

Gồng mình

Trước khi thực hiện tái cấu trúc vốn, như đã đề cập, tình hình hoạt động của CPC đang trên đà trượt dốc, thua lỗ ngày càng lớn. Hai cổ đông cầm trịch tại Vinaconex là Viettel và SCiC đặt ra bài toán làm gì để hoạt động của CPC không xấu hơn. Trong 3 năm CPC đã thay 3 đời tổng giám đốc và bộ máy quản lý cấp cao. Tháng 5/2012, ông Hoàng Xuân Vịnh, nguyên Phó Tổng giám đốc CTCP Xi măng Hoàng Mai, người được Viettel tha thiết mời về được bầu vào chức vụ Tổng giám đốc CPC. SCIC thì cử hẳn một nhân sự phụ trách tài chính về nằm vùng tại CPC. CPC đã tái cơ cấu toàn diện về quản trị, quản lý, vận hành nhà máy, tiêu thụ sản phẩm…cải tạo một số hạng mục để sử dụng được nhiều loại nguyên liệu như than cám 4b, 5a bên cạnh loại 3c, 4a truyền thống nhằm giảm chi phí mỗi tấn than khoảng 1,5 - 2 triệu đồng.

Với một loạt cải tiến về thiết bị, công suất nhà máy trước kia chỉ khai thác được 80 - 85% nay đã được nâng lên mức 95 - 100%. Theo ông Vịnh, sản lượng của CPC đã tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2011 đạt 1,595 triệu tấn thì năm 2012 là 1,716 triệu tấn, năm 2013 sẽ là 1,890 triệu tấn. Hiệu quả hoạt động của CPC cũng đã có sự cải tiến. Năm 2011, lợi nhuận trước chi phí tài chính (ebitda) của CPC đạt 450 tỷ đồng. Năm 2012 dự kiến đạt 460 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù có nỗ lực bao nhiêu chăng nữa, với khoản vốn vay đầu tư lên tới 3 tỷ yên, CPC vẫn khó thoát cảnh thua lỗ. Năm 2012, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, CPC tiếp tục lỗ khoảng 400 - 450 tỷ đồng. Chưa kể, Vinaconex phải liên tục bảo lãnh công ty mới vay được vốn lưu động, nếu không sẽ phải ngừng hoạt động. Nếu không có nhà đầu tư mới có năng lực tài chính đầu tư vào CPC và trả bớt nợ cho công ty, giảm gánh nặng chi phí tài chính, CPC sẽ luôn đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động.

Những nội dung gì sẽ được ban lãnh đạo Vinaconex trình đại hội cổ đông liên quan tới số phận của CPC trong kỳ đại hội cổ đông năm nay chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, nhiều khả năng các cổ đông Vinaconex tiếp tục phải trả giá đắt cho phong trào “nhà nhà làm xi măng” một thời của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo Doanh Nhân

Theo Đăng lại