Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hiện tại thì chưa thể coi đây là bệnh đặc hữu vì chưa đánh giá hết được rủi ro của COVID-19. Ông cho rằng, hiện nay không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới biến thể Omicron đang lan nhanh trong cộng đồng. Việc người dân chủ quan vì đã tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19, bệnh cảnh do biến thể Omicron gây ra nhẹ và không phòng bệnh nghiêm túc, thả lỏng 5K thì dễ dẫn đến mất kiểm soát dịch bệnh.
Đáng chú ý, tại một số địa phương tỉ lệ tiêm vắc xin chưa cao, nhiều tỉnh thành hệ thống y tế chưa đáp ứng được việc phòng chống đại dịch nên rất khó để tiếp nhận và điều trị những ca bệnh nặng, nguy kịch. Nếu mất kiểm soát số ca mắc sẽ dẫn đến quá tải hệ thống y tế.
TS Phu cho hay: “Để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, cần có các yếu tố như độ ổn định ca nhiễm, khả năng miễn dịch cộng đồng gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vắc xin, tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và nguy cơ tác động nguy hiểm tới sức khỏe, đời sống xã hội. Ở thời điểm hiện tại, COVID-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế, do vậy vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường”.
Chưa đạt miễn dịch cộng đồng hoàn toàn
Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (ĐH Y dược TPHCM) nhận định, đến giờ chúng ta vẫn chưa có được hoàn toàn miễn dịch cộng đồng. Để đạt đến mức coi là bệnh đặc hữu thì hầu như toàn bộ người dân phải nhiễm bệnh rồi.
TS Dũng phân tích: “Hiện nay với virus SARS-CoV-2 thì miễn dịch rất không bền, cho dù tiêm 2 mũi, 3 mũi vẫn chỉ bền vững trong 3 tháng, sau đó vẫn mắc, dù mắc không nặng. Miễn dịch cộng đồng chỉ tương đối an tâm ở thời điểm hiện tại với một số địa phương đã có nhiều người nhiễm và đã tiêm vắc xin đầy đủ. Tuy nhiên nó vẫn không bền vững do thời gian khiến kháng thể của những người đã tiêm bị suy giảm.
Chưa kể biến thể mới xuất hiện như trường hợp biến chủng Delta “hạ nhiệt” thì xuất hiện biến chủng Omicron nên miễn dịch cộng đồng bị phá vỡ. Nếu trở thành bệnh đặc hữu vẫn khuyến khích người dân tuân thủ 5K”.
“Tôi cho rằng tình hình dịch hiện tại của Việt Nam chưa thể tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu được. Cần thêm thời gian để đánh giá. Tôi và một số chuyên gia dịch tễ cùng có chung dự báo còn ít nhất một làn sóng dịch nữa với biến chủng Omicron và nếu có biến chủng nào khác nữa thì vẫn có khả năng thêm làn sóng nữa. Sau làn sóng dịch tới thì tình hình dịch tại Việt Nam mới tương đối ổn định. Theo tôi khoảng 6 tháng nữa dịch bệnh mới lắng lại”.
Lí giải cho việc có thể xuất hiện thêm làn sóng dịch mới do biến thể Omicron trong thời gian tới, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói: “Chúng tôi thực hiện mô hình hóa để xem sự lây lan của dịch. Trong dịch tễ khi dịch bệnh tăng lên đến mức nào đó nó sẽ giảm xuống, nếu giảm xuống vẫn còn người trong cộng đồng chưa mắc thì vẫn còn có người tiếp tục nhiễm, cộng với số người có miễn dịch do tiêm chủng giảm dần theo thời gian sẽ tạo ra những người nhảy cảm tiếp. Khối cảm thụ ngày càng tăng lên tạo nên làn sóng dịch tiếp theo trong thời gian tới”.
TS Dũng cho biết thêm, hiện nay Mỹ cũng chưa coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, mà họ chỉ coi đó là kế hoạch quốc gia để ổn định cuộc sống. Một số nước ở châu Âu đã coi COVID-19 thành bệnh bình thường vì họ đã tiêm chủng và có hệ thống y tế tốt hơn Việt Nam nhiều.
“Họ đã trải qua 4 làn sóng dịch, đã tiêm vắc xin từ rất lâu, nguồn lực vắc xin dồi dào, hệ thống y tế tốt. Họ có thuốc kháng virus hiệu lực đến 80-90%, hệ thống hồi sức cấp cứu kĩ thuật cao, trong khi thuốc kháng virus của nước ta như Molnupiravir hiệu lực chỉ khoảng 30%. Chúng ta đánh giá trên mọi yếu tố như tôi đã phân tích không phải phủ nhận khả năng tiến tới cuộc sống bình thường mới mà chúng ta phải cần thêm thời gian để hoàn thiện hơn hệ thống chăm sóc và điều trị, lúc đó Việt Nam sẽ coi COVID-19 là bệnh đặc hữu được”.