Đà tăng của VNZ tiếp tục nối dài sang phiên thứ chín liên tiếp. Ngay giờ mở cửa, cổ phiếu này đã có lệnh đặt giá trần, VNZ được kéo tăng kịch trần 15% (134.000 đồng) lên 1,027 triệu đồng/cổ phiếu.
Khác với việc chỉ có 1-3 lệnh giao dịch/ phiên như những ngày trước, hôm nay, thanh khoản của VNZ tăng vọt. Tới 9h48, 5.800 cổ phiếu được sang tay, tương ứng giá trị 5,9 tỷ đồng. Thanh khoản chỉ trong 1 tiếng của VNZ cao hơn gần 20 lần so với giá trị giao dịch của cả ngày gần nhất (10/2). Tám phiên tăng trần trước, VNZ có tới 7 phiên giao dịch chỉ 100 cổ phiếu. Tới ngày 10/2, thanh khoản nhích nhẹ lên 300 cổ phiếu.
Trong số 5.800 cổ phiếu giao dịch đầu giờ sáng nay, bên bán đang chiếm ưu thế, với 3.500 cổ phiếu đã khớp. Còn lại, bên mua khớp 2.300 cổ phiếu. Trên thị trường, bên mua vẫn sẵn sàng “đu đỉnh”, đến hơn 10h sáng, có 2.300 cổ phiếu dư mua giá trần. Bên bán trống trơn.
VNG cũng vừa có giải trình về việc cổ phiếu liên tục tăng trần. VNG cho rằng hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Theo đà tăng "nóng" của cổ phiếu, vốn hóa VNG tiếp tục leo lên ngưỡng 29.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,25 tỷ USD, gấp gần 4,3 lần thời điểm chào sàn. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh cao mà “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam từng chạm đến. Năm 2019, VNG đã được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cổ phiếu). Năm 2021, công ty quản lý quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNG với mức giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu.