Đối với nhiều nước khác ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm là do hiệu quả từ các biện pháp phong toả, xét nghiệm đã được thực hiện nhưng do triển khai muộn nên chưa thể khẳng định được khu vực nào là an toàn.
Về tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng, chống COVID-19, hiện đã có nhiều quốc gia và tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới tham gia nhưng mới ở giai đoạn thử lâm sàng, chưa thể hy vọng có ngay được để phục vụ phòng, chống dịch bệnh…
Các chuyên gia cho rằng tình hình dịch bệnh bên ngoài vẫn diễn biến phức tạp, nên chúng ta vẫn phải tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện tốt công tác cách ly; kịp thời phát hiện ca mắc mới để thực hiện khoanh vùng, điều trị hiệu quả.
Ban Chỉ đạo nhận định, Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác là sức ép không thể đóng cửa, vì phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn.
Do vậy, Ban Chỉ đạo thống nhất tinh thần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn. Các hướng dẫn về đưa đón, tổ chức cách ly đối với các đối tượng nhập cảnh phải hết sức cụ thể, tổ chức kiểm tra thường xuyên. Bộ Y tế được giao xây dựng và ban hành sớm hướng dẫn đón các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam ngắn hạn.
Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế cũng đã thảo luận và thống nhất tiếp tục quản lý chặt chẽ việc cách ly các phi hành đoàn, tổ bay quốc tế; cách ly người nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ; xem xét mở kênh đăng ký chuyến bay đối với các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam; giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối xem xét giải quyết thủ tục đưa các chuyên gia, kỹ sư, doanh nhân người Việt đang bị kẹt ở nước ngoài (như đối với chuyên gia nước ngoài) về Việt Nam để phục vụ phát triển sản xuất trong nước…