Đó là đánh giá của PGS.TS Phạm Hồng Thái, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 tại Hà Nội.
Theo ông, dư luận mong đợi điều gì ở Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ diễn ra tại Hà Nôi và việc tổ chức hội nghị sẽ tác động như thế nào đến quan hệ giữa Việt Nam với các nước có liên quan, nhất là Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc?
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này được dư luận quốc tế đặc biệt chú ý vì nó là bước tiếp theo của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Với những thỏa thuận chung đã đạt được ở cuộc họp lần trước tuy còn rất sơ bộ song đã có ý nghĩa quan trọng làm giảm căng thẳng về an ninh và nguy cơ xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Chính vì vậy, người ta hy vọng hội nghị lần này tại Hà Nội sẽ đem lại bước tiến tích cực cụ thể hơn, thậm chí là đột phá nào đó trong việc nới lỏng cấm vận đối với Triều Tiên và chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của nước này để từng bước tiến tới ký kết một hiệp ước đảm bảo hòa bình bền vững, lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Với mục tiêu như vừa đề cập, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội có nghĩa rất quan trọng, nâng tầm của Việt Nam trong quan hệ quốc tế và chắc chắn sẽ có những tác động tích cực tới quan hệ của Việt Nam với quốc gia có lợi ích liên quan.
Đối với quan hệ Việt - Triều, Việt Nam và Triều Tiên vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài. Hội nghị thượng đỉnh là một sự kiện rất quan trọng, việc tổ chức hội nghị thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam trong việc cải thiện quan hệ Mỹ - Triều, góp phần vào việc xây dựng nền hòa bình lâu dài và hướng tới quá trình thống nhất bán đảo Triều Tiên trong tương lai.
Trong quan hệ với Mỹ, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này cũng góp phần củng cố thêm mối quan hệ của Việt - Mỹ đang từng bước phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Cũng giống như Triều Tiên, việc Mỹ lựa chọn Việt Nam làm địa điểm diễn ra hội nghị thể hiện Mỹ coi Việt Nam là một đối tác tin cậy, có khả năng đảm bảo an ninh và năng lực tổ chức các cuộc hội nghị cấp cao.
Trong quan hệ với Trung Quốc, hội nghị lần này, theo tôi, cũng có ý nghĩa tích cực tương tự như vậy. Mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân và đảm bảo nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng chính là mối quan tâm mang tầm chiến lược của Trung Quốc.
Có thể nói, hội nghị lần này đều được các nước trong khu vực đồng tình, ủng hộ và đây là cơ hội có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo ông Việt Nam có thể kỳ vọng gì vào hội nghị này?
Như tôi đã nói, việc Mỹ và Triều Tiên chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức hội nghị chứng tỏ Việt Nam là địa chỉ đáng tin cậy, nơi đảm bảo được các điều kiện về an ninh và năng lực tổ chức để hội nghị được diễn ra an toàn, thuận lợi. Tôi cho rằng việc hội nghị diễn ra đạt được những kết quả tốt nhất vì mục tiêu giải trừ xung đột và hướng tới hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên là điều Việt Nam mong đợi nhất với tư cách là nước đảm trách tổ chức hội nghị. Song về mặt khách quan, quá trình tổ chức hội nghị, cũng là dịp thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Trong những ngày này, các phương tiện truyền thông đại chúng trên thế giới đều tập trung chú ý đến việc hội nghị sẽ diễn ra và qua đó cũng tự nhiên khiến dư luận quốc tế chú ý nhiều hơn đến Việt Nam. Từ một đất nước từng chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, nhưng chỉ mới qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam ngày nay đã trở thành một nước kinh tế phát triển với tốc độ cao; diện mạo khắp đất nước từ đô thị đến nông thôn và đời sống của người dân đang được cải thiện rõ rệt. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chính là cơ hội quý giá để hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam được quảng bá rộng rãi ra thế giới, từ đó góp phần tạo nên trong dư luận quốc tế những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam hiện nay, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế. Nói tóm lại, đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam quảng bá sức mạnh mềm ra thế giới.
Đối với bán đảo Triều Tiên, đây là dịp Việt Nam thể hiện vai trò đóng góp tích cực vào việc tạo dựng, củng cố hoà bình và giải trừ xung đột giữa hai miền. Bán đảo Triều Tiên có ý nghĩa địa chiến lược vô cùng quan trọng trong khu vực Đông Bắc Á, nơi mà Việt Nam có quan hệ rất tốt với các nước với tư cách là những đối tác chiến lược như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi Việt Nam có hành động tích cực góp phần vào quá trình đem lại nền hòa bình, ổn định của khu vực thì đó cũng là góp phần tăng cường, củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế mang tính chiến lược và là những đóng góp rất đáng tự hào.
Ông đánh giá như thế nào về thiện chí của Mỹ và Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh này?
Rất khó đánh giá điều đó tại thời điểm này. Quan điểm của Mỹ là Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được, rồi Mỹ mới dần nới lỏng cấm vận và ký hiệp ước hòa bình. Điều kiện của Triều Tiên là Mỹ phải nới lỏng cấm vận trước và hai bên sẽ đi từ từ thực hiện cam kết. Tại thượng đỉnh lần trước, hai bên mới đạt được những nguyên tắc chung. Lần này, chắc chắn sẽ có bước tiến thì họ mới quyết định gặp nhau. Có lẽ hai bên đều phải nhượng bộ một chút. Có thể Triều Tiên phải thực hiện một số hành động để chứng tỏ quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân đang được tiếp tục. Còn Mỹ sẽ có một số nới lỏng, có thể mang tính tượng trưng. Dường như trong thỏa thuận sơ bộ, hai bên đã đạt được một số thống nhất. Nhu cầu nới lỏng cấm vận thực sự quan trọng với Triều Tiên. Triều Tiên chắc chắn thực tâm muốn đạt được kết quả nào đó với Mỹ.
Còn phía Mỹ, là nước lớn nên họ chủ động hơn. Nhưng trong lúc đang chuẩn bị tái tranh cử, ông Trump muốn đạt được kết quả nào đó để chứng tỏ với nhân dân Mỹ về vai trò của mình trong bảo đảm an ninh cho nước Mỹ. Hai bên có lý do để đạt được bước tiến trong hội nghị sắp tới.
Quan hệ Mỹ - Triều không chỉ là vấn đề giữa hai nước mà có nhiều yếu tố phức tạp hơn, như vấn đề nước lớn và vai trò của Trung Quốc. Lãnh đạo hai miền Nam Bắc Triều hiện nay đúng là thực tâm. Tầm nhìn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là hai bên phải tôn trọng nhau và hướng tới tương lai thống nhất bán đảo bằng con đường hòa bình, và thoát khỏi ảnh hưởng của các nước lớn. Nếu chỉ là chuyện giữa hai miền thì đơn giản hơn nhiều. Nhưng đối với số phận của những quốc gia nằm ở các khu vực địa chính trị phức tạp, các nước lớn đều tìm cách tìm kiếm lợi ích an ninh của họ.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Trung Quốc đối với hội nghị này?
Về hình thức, hội nghị lần này chỉ là giữa ông Kim và ông Trump. Nhưng rõ ràng Trung Quốc có vai trò trong đó. Trước hội nghị này ông Kim đã thăm Trung Quốc, và chắc đã có bàn thảo với Trung Quốc về những ý định của họ, ít nhất là những thứ liên quan đến lợi ích của Trung Quốc để biết điểm dừng ở chỗ nào. Quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng đối với Triều Tiên. Trung Quốc cũng là đồng minh quan trọng của Triều Tiên.Vì thế, trong cuộc gặp này, Trung Quốc không hiện diện nhưng vẫn có ảnh hưởng.
Cảm ơn ông.