Sáng 23/5, khi nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX TAND Cấp cao chấp nhận một phần kháng cáo, giảm 30 - 36 tháng tù cho bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) ở tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với tội “Nhận hối lộ”, Viện kiểm sát cho rằng, ông Vũ đã nhận số tiền 14,8 tỷ đồng, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.
Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên Phan Huy Anh Vũ tổng hình phạt 19 năm tù cho hai tội nêu trên.
Cùng ông Vũ, các bị cáo Vũ Quang Ngọc (SN 1981, quê Nam Định); Lê Chí Tuân (SN 1980, quê Hà Nội); Huỳnh Tuấn Anh (SN 1984, quê Vĩnh Long); Lê Thị Hương (SN 1983, quê Nam Định) cũng được Viện kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo giảm án hoặc chuyển từ tù giam sang tù treo.
Theo Viện kiểm sát, quá trình xét xử sơ thẩm và đến phiên phúc thẩm hôm nay, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, cung cấp được thêm tài liệu, chứng cứ mới.
Riêng Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC), bị đề nghị bác toàn bộ kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm do TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo này 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sau khi nghe quan điểm luận tội của Viện kiểm sát, bị cáo Nga tái khẳng định, vai trò bị cáo ở Công ty AIC dù là cán bộ quản lý, song cũng chỉ là “người làm công ăn lương”.
“Quá trình làm việc có sai phạm, bị cáo xin chịu trách nhiệm”, Nga nói và mong tòa xem xét lại tội danh Viện kiểm sát truy tố bị cáo.
Ngoài ra, Nga trình bày thêm bản thân trước đây có nhiều đóng góp cho công tác xã hội. Điển hình như hỗ trợ trang thiết bị y tế trong đại dịch Covid-19, tham gia từ thiện khi có thiên tai, lũ lụt. Bị cáo cho rằng, đây cũng là một trong các tình tiết mới, HĐXX cần ghi nhận.
Bào chữa cho Nga, luật sư Lê Ngọc Hà cho rằng, thời điểm xảy ra vụ án, thân chủ của ông chỉ đóng vai trò mờ nhạt, không “đủ tầm” duy trì mối quan hệ với cựu Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Theo luật sư, Viện kiểm sát quy kết bị cáo Nga phạm tội có tổ chức là quá nặng, bởi bản thân bị cáo không tham dự và không có quyết định quan trọng những sự việc liên quan vụ án. Đến năm 2015, bị cáo Nga rời khỏi công ty vì lý do nhận thấy là “không minh bạch”.
“Bị cáo Nga đang bị xem xét hình sự trong vài vụ án khác, tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù giam, tôi cho rằng việc được giảm nhẹ một hai năm tù là hình thức động viên cho bị cáo cho chặng đường dài phía trước”, luật sư nói.
Liên quan đến bồi thường dân sự của bị cáo Nga, luật sư cho rằng cơ quan tố tụng quy trách nhiệm chưa hợp lý.
Đối đáp lại ý kiến luật sư của bà Nga, đại diện Viện kiểm sát cho hay, trong vụ án, Hoàng Thị Thúy Nga tiếp nhận chỉ đạo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm đề nghị ban đầu về mức án và bồi thường dân sự.
Liên quan vụ án, Công ty AIC (bị đơn dân sự) cũng kháng cáo xin được nộp toàn bộ hậu quả của vụ án là 152 tỷ đồng. Tuy nhiên Viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo này, cho rằng trách nhiệm bồi thường phải thuộc về cựu Tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (103 tỷ đồng) và hai cựu Phó tổng AIC Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga, mỗi người 15 tỷ đồng.