Vì sao nhà hát 200 tỷ sang trọng bậc nhất xứ Huế mới dùng nửa năm đã hỏng?

TPO - Nhà hát sông Hương - công trình sang trọng bậc nhất xứ Huế với chức năng phục vụ biểu diễn nghệ thuật trong nước, quốc tế và tổ chức các sự kiện, vừa đưa vào sử dụng cuối năm 2020 đã xuất hiện những sự cố diện rộng về trần mái.

Tháng 8/2020, Nhà hát sông Hương tọa lạc ven sông Hương thuộc khuôn viên Học viện Âm nhạc Huế (TP Huế) chính thức được đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các sự kiện văn hóa, văn nghệ, chính trị xã hội…

Nhà hát sông Hương thời điểm mới đưa vào sử dụng.

Trước đó, Nhà hát sông Hương được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch quyết định đầu tư, với tổng trị giá 198 tỷ đồng, giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên triển khai thực hiện.

Công trình có trị giá đầu tư gần 200 tỷ đồng nhanh chóng xuống cấp.

Sau một thời gian thi công và đưa vào sử dụng, những ngày gần đây, nhiều người dân và du khách khi vãn cảnh, tham quan trên đường đi bộ ven sông Hương đoạn gần khu vực cồn Dã Viên, ga Huế, đường Bùi Thị Xuân và Học viện Âm nhạc Huế không khỏi bất ngờ khi chứng kiến phần trần gỗ ốp phía dưới tấm lợp tại khu vực rìa mái bao quanh Nhà hát sông Hương đã nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, rơi rụng… để lộ ra những mảng trống nhìn thấu các kết cấu xà đỡ bằng kim loại và tấm lợp bên trong.

Chủ đầu tư, nhà thầu buộc phong tỏa một phần khu vực bao quanh nhà hát để khắc phục sự cố và tránh nguy hiểm cho người đến nhà hát.

Chứng kiến hình ảnh bất thường, phản cảm từ công trình xây dựng có quy mô đầu tư hàng trăm tỷ tại Huế vừa đưa vào sử dụng chưa lâu này, nhiều người đặt nghi vấn về chất lượng công trình, cũng như khâu tư vấn, thiết kế, giám sát, thi công… có vấn đề.

Nhà hát nhanh chóng hư hỏng phần trần mái khiến nhiều người bất ngờ.

Thông tin đến báo chí liên quan sự cố kể trên, đại diện Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo (Huế, đơn vị thi công) thừa nhận tình trạng hư hỏng tại Nhà hát sông Hương do công ty này làm nhà thầu chính. 

Nghi vấn về chất lượng công trình được đặt ra.

Trước thực trạng này, trao đổi với PV trong sáng 20/2, ông Trần Ngọc Quang, quyền Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên, cho biết, nguyên nhân công trình hư hỏng là do ảnh hưởng của cơn bão số 5 năm 2020.

Chủ đầu tư chỉ đạo lực lượng có chuyên môn kiểm tra sự cố.

Gió bão đã cuốn bay mất một phần mái lợp kim loại bằng tôn đặc chủng (tôn Kliplock) bên trên nhà hát, khiến nước mưa thấm xuống trần gỗ ốp trên phần rìa mái ngoài của nhà hát.

Chủ đầu tư giai thích nguyên nhân sự cố là do gió bão năm 2020 gây ra. Việc chậm khắc phục sự cố liên quan nguồn vật liệu thay thế và ảnh hưởng của dịch bệnh, nghỉ Tết.

“Do tấm lợp là tôn đặc chủng, thời gian đặt hàng khá lâu. Mặt khác, thời gian vừa qua tại Huế có mưa nhiều, khi chuẩn bị khắc phục sự cố về trần gỗ thì rơi vào thời điểm Tết và xảy ra dịch bệnh. Chủ đầu tư đã gia cố tạm thời phần mái, nhưng nước mưa vẫn thấm xuống trần. Do đó, sau kỳ nghỉ Tết, Ban đã chỉ đạo các đơn vị thi công tổ chức khắc phục triệt để sự cố này”, ông Quang giải thích.

 

Dấu hiệu bung vỡ trần gỗ sồi tại Nhà hát sông Hương chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo ghi nhận của PV, trong sáng ngày 20/2, các đơn vị nhà thầu đã tập trung phương tiện, nhân lực triển khai khắc phục phần trần gỗ bị hỏng, lợp lại phần mái nhà hát khu vực rìa ngoài bằng tôn đặc chủng Kliplock. Dự kiến, thời gian khắc phục kéo dài trong vài ngày.

Nhà hát Sông Hương thuộc khuôn viên Học viện Âm nhạc Huế có sức chứa 1.000 chỗ ngồi, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2020, hiện trong thời gian bảo hành. Nhà hát là nơi phục vụ các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, sự kiện chính trị xã hội không chỉ cho Huế, mà còn cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây cũng là nơi phục vụ các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật mang tầm quốc tế.