“Ế” vì diện tích quá rộng
Để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, những năm gần đây, nhiều địa phương đẩy mạnh sắp xếp, xử lý và bán đấu giá tài sản trên đất. Tuy nhiên, việc bán đấu giá tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Bà Hồ Thị Nguyên Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, địa phương gặp vướng mắc khi bán đấu giá tài sản trên đất và quyền sử dụng đất. Theo đó, công sở dôi dư nằm trên diện tích đất lớn, vượt nhiều lần hạn mức giao đất ở địa phương. Tài sản trên đất vẫn còn giá trị theo hiện trạng và theo sổ sách kế toán. Có khu đất nằm ở nông thôn, miền núi, xã đặc biệt khó khăn.
Theo bà Thảo, tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có diện tích lớn nên không có người tham gia đấu giá. Trong khi đó, hiện chưa có quy định cụ thể trường hợp bán một phần diện tích nhà, đất của một cơ sở nhà, đất, phân lô chi tiết để tổ chức bán đấu giá tài sản trên đất và quyền sử dụng đất.
“Phú Yên đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Trong đó, quy định cụ thể về việc trường hợp bán một phần diện tích nhà, đất của một cơ sở nhà, đất, hoặc cho phép phân lô chi tiết diện tích đất thành nhiều thửa đất để địa phương triển khai tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, bà Thảo đề xuất.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 133 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan Trung ương. Lũy kế từ khi thực hiện chính sách sắp xếp nhà đất công đến ngày 20/6, Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 30.831 cơ sở nhà, đất thuộc quyền quản lý của bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tài sản như nhà, công trình trên đất công rất khó thu hút nhà đầu tư vì khó có thể sử dụng. Theo ông Đính, việc đấu giá quyền sử dụng đất phải chi tiết nội dung như mục đích thửa đất làm gì, có được triển khai dự án bất động sản hay không? Chức năng quyền sử dụng đất chưa rõ ràng sẽ khó thu hút nhà đầu tư xuống tiền.
“Doanh nghiệp, người dân mua đất xong phải đầu tư. Vì vậy, để thu hút nhà đầu tư tham gia đấu giá tài sản công như quyền sử dụng đất, đơn vị bán cần công bố thông tin quy hoạch hoặc cơ quan chức năng cho phép nhà đầu tư được thay đổi một số chỉ tiêu sử dụng đất như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất”, ông Đính nói.
Ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Tài chính sớm “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” một số cơ sở nhà, đất của cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như trụ sở Chi cục Thuế thành phố Thái Nguyên, Liên đoàn Lao động Thái Nguyên… Việc chuyển giao để tỉnh có cơ sở triển khai dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên.
Đại diện thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét phê duyệt phương án xử lý tài sản trên đất của Trạm giao dịch thuộc Công ty Xổ số kiến thiết Cần Thơ đặt tại Phú Quốc (Kiên Giang). Theo đại diện UBND thành phố Cần Thơ, tài sản của Công ty xổ số Cần Thơ nhưng đặt tại đất của tỉnh Kiên Giang, trong khi chưa có quy định xử lý tình huống này.
Đại diện Bộ Tài chính cho PV Tiền Phong biết, đã ghi nhận vướng mắc của các địa phương. Thời gian tới, khi sửa đổi quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn chi tiết hơn để địa phương thực hiện.
Đẩy mạnh phân cấp sắp xếp, xử lý tài sản công
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 133 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan Trung ương. Lũy kế từ khi thực hiện chính sách sắp xếp nhà đất công đến ngày 20/6, Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 30.831 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Bộ Tài chính cho hay, đang rà soát, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản chi tiết thi hành Luật Quản lý tài sản công. Việc sửa đổi quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý tài sản công.
“Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công theo hướng phân cấp, giao quyền cho lãnh đạo địa phương, bộ ngành quyết định. Bộ Tài chính chỉ phê duyệt phương án xử lý tài sản công liên quan giữa các bộ, ngành, hoặc giữa bộ, ngành với địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, sau sáp nhập, tinh giản bộ máy, nhiều đơn vị, bộ ngành quản lý diện tích nhà đất công rất lớn. Đặc biệt, nhiều nhà đất ở vị trí “vàng”. Số nhà đất này sẽ tạo ra nguồn lực lớn nếu sớm được sắp xếp, xử lý.
“Cơ quan quản lý Nhà nước cần có hướng dẫn để bộ, ngành, địa phương có thể sớm có phương án bán đấu giá tài sản công như trụ sở bộ, ngành dôi dư. Địa phương có công sở dôi dư diện tích rộng, giá trị tài sản cao nên có hướng dẫn để chia nhỏ diện tích. Điều này sẽ dễ dàng tìm được nhà đầu tư tham gia đấu giá, hạn chế tình trạng bỏ hoang, nguy cơ lãng phí”, ông Thịnh kiến nghị.