Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết theo khảo sát năm 2020 của tổ chức Chứng chỉ bảo mật hệ thống thông tin quốc tế, dù lực lượng nhân sự an toàn thông tin thế giới tăng 25% trong năm 2020 với 3,5 triệu người, nhưng tính trên phạm vi toàn cầu vẫn thiếu hơn 3 triệu chuyên gia bảo mật.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Theo thống kê của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), tổng số nhân sự trong lĩnh vực an ninh mạng Việt Nam năm 2023 là 3.600. Tỉ lệ tăng trưởng 11,6% so với năm 2022 cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu bảo mật của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trước những tấn công ngày một tăng trong thời đại số.
Năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội mở chương trình đào tạo An toàn không gian số được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Với định hướng đào tạo nên những chuyên gia, Nhà trường chỉ tuyển sinh 40 sinh viên mỗi khóa.
Điều khó nhất, nhưng cũng thú vị nhất của ngành học này là sự đổi mới liên tục, yêu cầu người học phải thường xuyên cập nhật kiến thức, bởi hacker (người tấn công hệ thống mạng) sẽ luôn phát hiện những lỗ hổng mới, trong khi những nhà bảo mật an ninh mạng cần tìm hiểu những cách thức tấn công mới để phòng thủ.
PGS. Trần Quang Đức, Giám đốc Trung tâm An toàn an ninh thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay sự hiện diện của học giả người Việt trong những hội thảo lớn về An toàn thông tin hiện nay không nhiều.
Ông Đức cho rằng không có cơ hội nào tốt hơn để các học giả và sinh viên trong lĩnh vực được tiếp xúc với những chuyên gia hàng đầu.
Tháng 7/2023, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội sang Úc để đề xuất tổ chức Hội thảo về Máy tính và An toàn thông tin truyền thông - ASIA CCS (ACM ASIA Conference on Computer and Communications Security), một trong 10 hội thảo lớn nhất thế giới về An toàn thông tin. Đây là thời cơ để tạo ảnh hưởng đến cộng đồng thông qua việc tập hợp mạng lưới học giả, nghiên cứu, vốn đang bị phân tán tại Việt Nam.
Trong thời gian sắp tới, đội ngũ An toàn không gian số của Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn xây dựng một blog về An toàn thông tin do cộng đồng đóng góp và hướng tới cộng đồng. Hành động nhỏ nhưng mang sứ mệnh lớn: Truyền tải những kiến thức cơ bản về an ninh mạng một cách dễ hiểu, từ đó phát triển mạng lưới học giả nghiên cứu và từng bước tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ An toàn thông tin thế giới.