> Bạc Hy Lai - Những điều chưa biết
Hơn nữa, câu chuyện này lại bắt đầu với hình ảnh nước Mỹ, khi Phó thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân bỗng dưng chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để “khai báo” một số bí mật liên quan đến sếp của ông này là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Bạc Hy Lai.
Như cách hiểu thông thường, lẽ ra người Mỹ phải ngay lập tức bảo vệ Vương Lập Quân, tìm cách cho ông ta tị nạn chính trị.
Nhưng không. Chính nhờ người Mỹ, đặc vụ Trung Quốc từ Bắc Kinh đã tới bắt giữ Vương Lập Quân để tránh khả năng ông này rơi vào tay “cận vệ” của bí thư họ Bạc.
Có lẽ trong lần này, người Mỹ đã chọn phương án “im lặng là đỉnh cao của mọi loại âm thanh”, như một câu ngạn ngữ Ấn Độ.
Bởi vụ Bạc Hy Lai chứng tỏ rằng những người tin Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc số một thế giới chắc chắn phải suy nghĩ lại. Vụ Bạc Hy Lai khiến người ta hiểu rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng tham nhũng và hủ bại trong xã hội Trung Quốc.
Nhưng chỉ một phần nhỏ của tảng băng ấy phơi lộ cũng khiến cả thế giới phải giật mình. Từ chuyện một cấp phó chống lại sếp, chuyện một bí thư thành ủy bị kỷ luật vì vi phạm, đến những cáo buộc giết người và thủ tiêu, câu chuyện càng lúc càng thêm ly kỳ và vượt quá ý niệm ban đầu về một vụ đấu đá chính trị.
Trong vụ Bạc Hy Lai, Washington còn một lý do nữa để kiệm lời: vụ Vương-Bạc xảy ra đúng thời điểm Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được tin rằng sẽ sớm kế nhiệm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, đang có chuyến thăm Mỹ.
Xây dựng mối quan hệ tốt với lãnh đạo tương lai của Bắc Kinh được Washington coi là mối quan tâm lớn hơn.
Trong lúc này, Trung Quốc cần xây dựng mối quan hệ hữu hảo với Mỹ hơn lúc nào khác. Mỹ cũng cần tới Trung Quốc trong nhiều khía cạnh, cả về kinh tế lẫn chính trị, ngoại giao.
Và do vậy, Mỹ đã chọn phương án im lặng trước vụ Bạc Hy Lai để hướng tới thời điểm chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc với hy vọng sẽ chứng kiến một thế hệ lãnh đạo mới tân tiến và cởi mở hơn thế hệ trước.