Vì sao không nên dạy con "1+1=2"?

Trong một thời gian dài, chúng ta – những người làm cha làm mẹ được giáo dục theo lối mòn học thuộc lòng mà không được rèn luyện cách tư duy bản chất vấn đề.
Ảnh minh hoạ: Internet

"Vì sao 1+1=11"

Chị Hà (Quận Hoàng Mai - Hà Nội) có con đang học lớp 1 ở một trường tiểu học. Chị kể:“Lúc con tôi chưa vào lớp 1, tôi dạy con đánh vần theo kiểu a, bê, xê. Loay hoay cả tháng trời dạy con tập đánh vần, tập làm toán vậy mà đến khi vào học, con tôi về nhà nói rằng cô giáo dạy khác mẹ, phải đánh vần là a, bờ, cờ…"

Anh Hưng, một phụ huynh khác có con đang học lớp 3 cũng đau đầu bị con chê "bố dốt" vì cách giải toán của bố khác với cách giải của cô giáo. "Rồi cô giáo con không dạy cách miêu tả, viết văn như vậy. Từ đó, thằng bé đâm ra phản ứng cách dạy của bố khiến tôi rất ức chế. Tôi nghĩ mãi tại sao trình độ của mình cũng đại học, thạc sĩ mà giờ dạy không nổi một đứa trẻ học lớp 3".

Tâm lý dạy con bằng mọi cách theo kiểu áp đặt và sách vở không phải là hiếm trong cách dạy của số đông phụ huynh ngày nay. Đa số những phụ huynh này không có kỹ năng sư phạm nên chỉ dạy con theo kinh nghiệm hoặc dùng những kiến thức đã lỗi thời. Điều này khiến trẻ có thể rơi vào tình trạng càng học càng nản và từ đó, sự thiếu hụt kiến thức là điều không thể tránh khỏi.

“Thay vì dạy chúng học thuộc lòng, chúng tôi dạy tại sao phải học bài đó, áp dụng được gì trong cuộc sống. Hiểu bản chất thì học sinh sẽ tự làm ra kiến thức” - Nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý

Nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý chia sẻ: Sử dụng phương pháp tư duy bản chất vấn đề để dạy trẻ tiểu học, cha mẹ có thể giúp con trả lời đúng bản chất những câu hỏi “Vì sao”, hỗ trợ con hiệu quả trong việc học tập và ra quyết định trong cuộc sống. Trong một thời gian dài, chúng ta – những người làm cha làm mẹ được giáo dục theo lối mòn học thuộc lòng mà không được rèn luyện cách tư duy bản chất vấn đề.

“Vì sao 1+1=2? Vì sao công thức tính diện tích hình chữ nhật lại là phép nhân hai cạnh chiều rộng, chiều dài? “Vì sao?” luôn là câu hỏi được con trẻ đặt ra nhưng không phải lúc nào cũng được cha mẹ hay thầy cô giải đáp thấu đáo”, cô Lý chia sẻ.

Bà cho rằng, nếu theo mục tiêu giáo dục trước đây là “con ngoan, học giỏi” thì chỉ cần nhồi nhét kiến thức để các con đi thi. Nhưng giờ mong đợi của cha mẹ ở con trẻ đã thay đổi “con phải tự tin, năng động, sáng tạo và phát triển toàn diện”, nên phương pháp giáo dục cũng cần đổi mới, không đặt nặng kiến thức nữa.

“Thay vì dạy chúng học thuộc lòng, chúng tôi dạy tại sao phải học bài đó, áp dụng được gì trong cuộc sống. Hiểu bản chất thì học sinh sẽ tự làm ra kiến thức”, cô Lý phân tích

Cô Lý cũng lưu ý rằng, phụ huynh không nên nóng vội bởi dạy học là một chuyến tàu, người lái tàu cần phải từ từ, kiên nhẫn,…Cha mẹ không nên áp đặt 1+1 =2, tất nhiên điều này phải hiểu theo nghĩ bóng. Có nghĩa, không phải việc gì cũng áp đặt theo khuôn mẫu con phải thế này mới đúng, thế kia là sai. Như vậy con sẽ không tự tìm hiểu, không có những sáng tạo, mà học tập chính là sáng tạo những cái mà người khác đã sáng tạo.

Một vị phụ huynh đặt câu hỏi rằng “kiến thức bao nhiêu là đủ?”. Cô Lý cho rằng, kiến thức là thứ vô hạn, đến tận cuối đời vẫn còn rất nhiều cái mới để mỗi con người học hỏi. Thầy cô cũng chỉ dạy học trò một khoảng thời gian nhất định, không thể dạy hết kiến thức được thì phải dạy chúng cách tự học.

“Kiến thức chỉ cần đủ để học tiếp cái khác. Cha mẹ nên đặt kỳ vọng vào các con vừa đủ và làm tới nơi tới chốn”, cô Lý nói.

Cha mẹ là xã hội của con

Theo chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga (hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn tâm lý học đường, thạc sỹ Tâm lý học từ Pháp) sự phát triển của mỗi đứa trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố (thể chất, nhận thức, cảm xúc, xã hội…). Trong đó, xã hội là yếu tố cha mẹ tác động trực tiếp và có thể dễ dàng can thiệp để hỗ trợ con.

“Mỗi đứa trẻ luôn nằm trong những mối quan hệ xã hội (ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè….). Cha mẹ có thể tác động vào mối quan hệ của trẻ với người khác, tạo môi trường thuận lợi nhất cho trẻ học hỏi, để trẻ tự chủ - tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của nó”, chị Nga chia sẻ.

Vị chuyên gia tâm lý cho biết, khả năng tự chủ không tự nhiên mà đến với trẻ mà phải được nuôi dưỡng, tích lũy thông qua các trải nghiệm.

Dạy con là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ (ảnh minh họa)

Vậy làm thế nào để một con người đưa ra quyết định, hành động đúng đắn. Thạc sỹ Hoài Nga gợi ý: “Có ba bước cơ bản: Đầu tiên là dừng lại, bình tĩnh để không quyết định luôn. Tiếp theo là suy nghĩ kỹ, có những lựa chọn nào, những lựa chọn – hành động nào giúp tôi có điều mình muốn, điều tôi thực sự muốn là gì. Cuối cùng là hành động”.

Mỗi ngày, phụ huynh muốn dạy con một điều gì, trước tiên hãy đồng cảm và tạo sự tin tưởng với con. Khi cha mẹ và con cái đều hiểu nhau sẽ dễ dàng thông cảm với những quan điểm của nhau, cùng nhau học hỏi, sáng tạo.

Theo Theo Vietnamnet