Vì sao giá thuốc BV Việt Đức bị "vống" 3-5 lần?
Trước kết quả thanh tra giá thuốc của Bệnh viện Việt Đức cao gấp 3 - 5 lần giá niêm yết của Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã trò chuyện thẳng thắn về vấn đề này.
Mới đây, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước việc làm được cho là “công khai, minh bạch” của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong việc mở thầu đấu giá thuốc, khi cho phép các cơ quan báo chí được tham gia cuộc mở thầu này. Theo đánh giá của các cơ quan truyền thông thì đây là một “hiện tượng lạ” khi lần đầu tiên các cơ quan báo chí được tham gia và chứng kiến buổi đấu thầu giá thuốc tại một bệnh viện lớn.
Tuy nhiên, sự việc đang nhận được phản ứng tốt từ phía các chuyên gia và dư luận thì Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế công bố kết quả kiểm tra giá thuốc tại bệnh viện này.
Trong công văn gửi Bệnh viện Việt Đức, Cục Quản lý Dược nêu rõ, qua kiểm tra xác xuất 74 loại thuốc trong tổng số 400 mặt hàng thuốc đang bán tại nhà thuốc BV Việt Đức có 25 loại thuốc, nhà thuốc bệnh viện mua với giá cao hơn giá bán buôn kê khai đang có hiệu lực.
Một số loại thuốc có giá cao gấp 3-5 lần là thuốc Spoxin (hoạt chất Sparfloxacin) do công ty Dapharco nhập khẩu, giá kê khai: 2.500 đồng, giá nhà thuốc BV mua lên tới 14.000đồng; Thuốc Azilide (hoạt chất Azithromycin 250mg) do công ty Vimedimex 2 nhập khẩu, giá kê khai: 2.789 đồng, giá nhà thuốc BV mua: 12, 500 đồng; Thuốc Zibut (hoạt chất Cefuroxime 500mg) do công ty Sohaco nhập khẩu, giá kê khai: 7,700 đồng, giá bán của nhà thuốc BV: 21.000 đồng… Qua kiểm tra còn phát hiện 1 loại thuốc chưa có giá kê khai (thuốc Trifix, hoạt chất Cefixime 200 mg, SĐK: VN-8041-09 do công ty Vinpharco nhập khẩu).
Để tìm hiểu vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, GĐ BV Việt Đức, và được biết, việc nhà thuốc BV Việt Đức có 25 loại thuốc, mua với giá cao hơn giá bán buôn kê khai là có. Tuy nhiên, sự việc này diễn ra từ tháng 6/2013. Còn hiện tại tất cả các loại thuốc đang được bán tại nhà thuốc đều được niêm yết giá công khai.
“Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa, trong bệnh viện chỉ có duy nhất một nhà thuốc, nhà thuốc này giao cho Khoa Dược quản lý và nhà thuốc này chỉ phục vụ bệnh nhân đang điều trị trong viện. Còn về các loại thuốc trên là từ tháng 6, còn từ tháng 6 đến nay, nhà thuốc không còn những loại thuốc đó. Tôi cũng xin khẳng định, tất cả 25 loại thuốc đó đều là thuốc viên chứ không hề có thuốc tiêm chọc gì”, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định với phóng viên.
Theo phân tích của ông Quyết, trước kia bệnh viện Việt Đức có rất nhiều nhà thuốc ở quanh bệnh viện, nhưng hiện giờ điều đó là không hề có. "Chúng tôi chỉ có duy nhất một nhà thuốc do trực tiếp bệnh viện quản lý. Chúng tôi làm vậy nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân chứ không hề có mục đích gì khác", ông Quyết khẳng định.
Nói về vấn đề 25 loại thuốc được Bộ Y tế công bố, ông Quyết cho biết thêm, khi bộ phận Dược nhập thuốc có xem giá cả tại hồ sơ của các công ty, hãng dược và tại hồ sơ này có dấu công chứng rõ ràng của các cơ quan chức năng, nhưng không ngờ giá tại hồ sơ của các công ty, hãng dược này lại cao hơn giá được đưa trên website của Cục.
“Ngay sau khi phát hiện vấn đề này, chúng tôi lập tức cho tiến hành kiểm tra và đã trả loại toàn bộ số thuốc đó cho các công ty dược và "cạch mặt" không bao giờ hợp tác với các công ty, hãng dược đó, các bộ phận cũng đã báo cáo vấn đề này. Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo luôn, từ nay trở đi khi nhập thuốc cần phải xét xét kỹ hồ sơ đồng thời phải sao sánh và đối chiếu với giá của Bộ Y tế và trên website của Cục để không để tình trạng đó xảy ra. Một lần nữa tôi cũng xin khẳng định, từ tháng 6 đến nay nhà thuốc bệnh viện Việt Đức không còn nhưng loại thuốc đó”, ông Quyết nói.
Cũng liên quan đến vấn đề thuốc tại Bệnh viện Việt Đức, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn ký công văn gửi Giám đốc bệnh viện Việt Đức để xác minh thông tin báo chí đăng tải về chất lượng thuốc trúng thầu. Trước đó, ngày 4/9, trong buổi mở thầu mua thuốc năm 2013, lãnh đạo bệnh viện Việt Đức đã có phát biểu về việc: thuốc trúng thầu giá rẻ, chất lượng kém.
Bộ Y tế cũng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cung cấp các bằng chứng khoa học về các thuốc trúng thầu với giá rẻ, chất lượng kém, không đáp ứng điều trị như phát biểu của lãnh đạo bệnh viện được cơ quan truyền thông đăng tải (các bằng chứng khoa học phải căn cứ trên cơ sở tiêu chí, quy trình, phương pháp thực hiện và phân tích kết quả, cỡ mẫu nghiên cứu theo hướng dẫn của Cục Quản lý dược).
Báo cáo giải trình của Bệnh viện Việt Đức sẽ gửi về Bộ Y tế trước ngày 12/9.
Theo Kiến thức