Vì sao gạo Việt không có thương hiệu

TP - Tôi rất buồn khi đến thị trường các nước châu Âu, gạo bán đầy trong các siêu thị nhưng lại không có bất kỳ thương hiệu gạo nào của Việt Nam. Thực ra, trong đó có rất nhiều gạo Việt Nam, nhưng đều mang thương hiệu của nước khác.
Lúa gạo Việt Nam đang làm theo quy trình ngược nên khó nâng cao được vị thế trên trường quốc tế Ảnh: Đại Dương

> Xuất khẩu gạo đang giảm mạnh

Giáo sư, tiến sĩ Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam nói.

Không nên quá tập trung vào xuất khẩu

TS Bửu nói: Câu hỏi lớn đặt ra là mình sản xuất lúa để xuất khẩu hay vì an ninh lương thực? Theo tôi, Việt Nam không nên đi quá nhiều vào thị trường xuất khẩu bởi chúng ta đang đối mặt với nguy cơ lớn là diện tích lúa gạo đang ngày một ít đi, dân số thì tăng liên tục, mỗi năm một triệu trẻ em ra đời.

Nước tưới cho lúa cũng ngày một ít đi. Nếu như cách đây 15 năm, nước ngọt dành cho nông nghiệp là 13.000 m3/người/năm thì hiện nay tụt xuống còn 8.000-8.500 m3. Nếu xuống còn 6.000 m3/người/năm chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ thiếu nước.

Trước sự thay đổi như vậy, việc xuất khẩu gạo của chúng ta có cần thiết hay không? Nhưng có một mâu thuẫn là nếu không xuất khẩu thì giá lúa trong nước rất thấp, người nông dân trồng lúa sẽ không có động lực nào hết, cuộc sống quá nghèo thì họ không thể trồng lúa được và chắc chắn phải bỏ đồng ruộng đi. Cho nên việc xuất khẩu gạo của mình nó như một cái van điều tiết giá.

Nếu không tập trung cho xuất khẩu thì làm sao giải quyết bài toán kích thích người nông dân sản xuất lúa?

Ý của tôi là ưu tiên số 1 vẫn là an ninh lương thực và sản xuất theo hướng để giải quyết an ninh lương thực lâu dài. Và nếu vì vậy thì chúng ta không nhất thiết mở rộng diện tích trồng lúa bằng cách tăng vụ như hiện nay: 3 vụ/năm.

Mình làm vậy là phá vỡ cân bằng sinh thái, con cháu mình sau này sẽ không còn gì hết. Nếu vì chủ trương xuất khẩu thì mình phải làm bất cứ giá nào để đạt được sản lượng 7-8 triệu tấn, thậm chí vượt mặt Thái Lan với 10 triệu tấn /năm.

Cái đó là không nên. Nhưng không phải vì thế mà mình không xuất nữa. Nếu chiến lược lâu dài không phải xuất khẩu là ưu tiên mà an ninh lương thực là ưu tiên thì bấy giờ sản xuất lúa gạo nhẹ nhàng hơn rất nhiều, mình lo cho dân là chính.

Quy trình ngược

Lúa gạo Việt Nam đang làm theo quy trình ngược nên khó nâng cao được vị thế trên trường quốc tế.  Ảnh: Đại Dương .
 

Theo ông vấn đề cốt lõi cần giải quyết của việc định vị thương hiệu là gì?

Khó khăn lớn nhất trong việc định vị thương hiệu gạo Việt Nam hiện nay nằm ở chiến lược kinh doanh của chính các doanh nghiệp (DN). Không có nước nào xuất khẩu từ hạt gạo như Việt Nam mình, họ xuất khẩu từ hạt lúa. Nghĩa là DN phải sát cánh, hỗ trợ nông dân ngay từ công đoạn sản xuất chứ không chỉ phân phối.

Bởi lẽ quá trình sản xuất từ lúa thành gạo có bao nhiêu là rủi ro như sâu bệnh, dịch hại, thiên tai… mà hiện nay chỉ người nông dân lãnh đủ. Còn khâu phân phối lưu thông thì hiện mình vẫn giao cho thương lái, khi thành gạo, xuống tàu thì mới đến tay DN.

Chuỗi giá trị qua rất nhiều trung gian như vậy sẽ rất khó kiểm soát. Và chúng ta lại đang làm theo một quy trình ngược.

Thay vì sấy lúa chờ giá cao rồi chà gạo bán thì các DN lại dùng lúa tươi chưa sấy chà ra gạo trước rồi mới đi sấy gạo. Điều này làm cho hạt gạo không bảo quản được lâu, dễ ẩm mốc, đổi màu, tạp nhiễm trong suốt quá trình vận chuyển.

Một điều nữa là các DN đều thiếu kho dự trữ đạt tiêu chuẩn. Trong khi kho bãi lại giúp DN tự chủ hơn trước biến động giá cả, bởi khi giá gạo xuống quá thấp, thay vì phải bán tháo thì có thể cất gạo vào kho để chờ. Thêm vào đó là vấn đề chênh lệch giá giữa các loại gạo có phẩm chất khác nhau.

Hiện nay giá gạo thấp cấp IR 50404 và gạo cao cấp Jasmine chỉ cách nhau không bao nhiêu nên không tạo được động lực khuyến khích người dân làm gạo phẩm chất cao.

Theo ông, những khó khăn trong xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong năm 2012 là gì?

Khó khăn mà tôi hình dung có thể xảy ra là giá lúa gạo trên thế giới đang xuống thấp. Vì một số nước có kho dự trữ lớn như Ấn Độ đã xuất kho để thay thế lượng lúa mới trong kho của họ. Và FAO dự báo trong năm 2012, thị trường lúa gạo từ 34 triệu tấn sẽ chỉ còn 31 triệu tấn.

Nghĩa là nhu cầu lúa gạo giảm đi. Đặc biệt, dự trữ gạo thế giới trước đây xấp xỉ 100 triệu tấn/năm thì năm 2012 dự báo của FAO là sẽ đạt 151 triệu tấn. Vì vậy bất cứ một nước nào mở kho dự trữ ra thì sẽ ảnh hưởng đến giá gạo thế giới.

Xu hướng an ninh lương thực trên toàn thế giới sẽ không giảm, bởi vì diện tích đất trồng lúa đang ngày một ít đi trong khi dân số tiếp tục tăng, nguồn nước tưới cũng giảm.

Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan trong những ký kết hợp đồng. Bởi thực tế là những nước giàu, những nước thường mua gạo cấp thấp để viện trợ nước nghèo cũng đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Việc cung ứng này cũng không bình thường như hằng năm được.

Đại Dương thực hiện

Theo Báo giấy