Pha lách luật tài tình của Chelsea
Luật Công bằng tài chính xuất hiện để đảm bảo các CLB châu Âu chi tiêu dựa trên số tiền họ kiếm được, thay vì nguồn tiền của các tỷ phú đổ vào. Nếu vi phạm, các đội bóng có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt trừ điểm. Ở kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa qua, Chelsea đã chi gần 300 triệu bảng để chiêu mộ hàng loạt cầu thủ. Đây là số tiền kỷ lục của một đội bóng châu Âu bỏ ra trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa.
Nếu tính cả kỳ chuyển nhượng mùa hè 2022, Chelsea đã tiêu tốn khoảng hơn 500 triệu bảng để chuẩn bị cho mùa giải mới - một con số chưa từng có trong lịch sử. Vậy tại sao tỷ phú Todd Boehly lại có thể chi tiêu hào phóng mà không sợ Luật Công bằng tài chính? Câu trả lời là vì họ đã tận dụng rất tốt lỗ hổng trong luật.
Cụ thể, theo chia sẻ của chuyên gia Tài chính Kieran Maguire, Chelsea sẽ ký hợp đồng dài hạn với các cầu thủ để phân bổ chi phí chuyển nhượng ra từng năm, qua đó giảm chi tiêu trong năm tài khóa.
“Những gì Chelsea đã quyết định làm là phân bổ chi phí cho các cầu thủ bằng cách ký hợp đồng dài hạn với họ, như một dạng khấu hao tài sản.Vì vậy, bằng cách ký hợp đồng với Mykhailo Mudryk với hợp đồng 8,5 năm, số tiền chuyển nhượng 88 triệu bảng đó được chia đều và tính ra chỉ hơn 10 triệu bảng mỗi năm. Trên sổ sách, Chelsea chỉ tiêu tốn rất ít tiền. Đó chính là chiến lược của Chelsea trong những kỳ chuyển nhượng gần đây", ông cho biết.
Vị chuyên gia này cũng tỏ ra ngạc nhiên vì phong cách chi tiêu của tỷ phú Boehly và những người bạn kể từ khi tiếp quản Chelsea.
"Chelsea được xây dựng theo kiểu công ty cổ phần và theo lý thuyết truyền thống, mục tiêu là phải giảm chi phí và cố gắng khiến doanh nghiệp có mức tăng trưởng hấp dẫn với các chủ sở hữu tương lai. Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi họ lại sẵn sàng chi số tiền lớn về chuyển nhượng và tiền lương. Đó là sự hào phóng mà chúng ta đã từng thấy dưới thời tỷ phú Roman Abramovich", chuyên gia Tài chính Kieran Maguire nói.
Canh bạc của Chelsea
Cách lách luật của Chelsea sẽ giúp CLB mua sắm được nhiều hơn để cải thiện vị trí hiện tại ở giải Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên, các đội bóng chỉ được đăng ký 25 người ở cả Ngoại hạng Anh và các giải đấu châu Âu. Champions League cũng chỉ cho phép bổ sung tối đa 3 bản hợp đồng mới trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, trước giai đoạn vòng loại trực tiếp.
Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng dài hạn với nhiều cầu thủ có thể làm tăng quỹ lương của Chelsea, nhất là khi các quy tắc tài chính mới của UEFA sẽ bắt đầu có hiệu lực từ mùa hè năm 2023. Chelsea cũng sẽ phải gánh số tiền chuyển nhượng được chia đều hàng năm, ảnh hưởng đến các kế hoạch chi tiêu trong tương lai.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, những cầu thủ vừa được Chelsea mang về sẽ đóng góp về mặt chuyên môn và có thể tăng giá trị trong những năm tới. Khi đó, thời hạn hợp đồng dài có thể giúp đội chủ sân Stamford Bridge thu về khoản lợi nhuận lớn. Nhưng nếu các cầu thủ này không như kỳ vọng, Chelsea sẽ đối mặt với khả năng 'nuôi báo cô'.
Chelsea đang đứng thứ 10 ở giải Ngoại hạng Anh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của họ là phải giành vé dự Champions League mùa giải năm sau để có thêm lợi nhuận. Số tiền kiếm được ở Champions League nhiều gấp 4,5 lần ở Europa League. Nếu vô địch Champions League, Chelsea cũng sẽ có nguồn thu khổng lồ để cân bằng tài chính.
Nhiều người sẽ tự hỏi vì sao các đội bóng khác không làm như Chelsea. Thứ nhất, đây là cách làm có nhiều rủi ro. Thứ hai, UEFA đang cố gắng khắc phục lỗ hổng này. Cụ thể, phí chuyển nhượng chỉ được phân bố tối đa là 5 năm. Quy định này chưa được áp dụng và do đó cách làm hiện tại của Chelsea vẫn là hợp lệ.