Vì sao Australia cần thêm căn cứ tàu ngầm ở bờ biển phía Đông?

Mới đây, Australia đã công bố kế hoạch xây dựng thêm một căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở bờ biển phía Đông cho các tàu ngầm hạt nhân của nước này theo khuôn khổ thỏa thuận đối tác an ninh 3 bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).

Vấn đề được đặt ra là vì sao quốc gia này cần có thêm một căn cứ tàu ngầm nữa trong khi đã có căn cứ tàu ngầm ở phía Nam thành phố Perth thuộc Tây Australia, cũng như các cơ sở xây dựng và bảo trì tàu ngầm ở Adelaide?

Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Scott Morrison đã nhấn mạnh việc Australia sẽ lựa chọn một trong 3 địa điểm là Brisbane, Newcastle và Port Kembla để xây dựng một căn cứ mới ở bờ biển phía Đông cho các tàu ngầm hạt nhân sẽ được mua theo thỏa thuận AUKUS.

Hiện chưa rõ nước này chọn mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân loại nào vì quyết định cuối cùng chỉ được biết trong vòng vài tháng tới. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết, các tàu ngầm này sẽ có mặt ở Australia sớm trước năm 2040 và nước này có kế hoạch bảo đảm năng lực tàu ngầm trong khoảng thời gian chờ bàn giao các tàu ngầm theo thỏa thuận AUKU

Được biết, căn cứ mới không ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của căn cứ đội tàu ngầm lớp Collins hiện ở bờ biển phía Tây Australia và cả hai đều sẽ được sử dụng để triển khai các tàu ngầm theo thỏa thuận AUKUS.

Nhưng việc nước này liên tục nhấn mạnh kế hoạch xây thêm căn cứ tàu ngầm hạt nhân mới ở bờ biển phía Đông trong khi thời gian tiếp nhận các tàu ngầm này còn chưa rõ ràng đang gây chú ý của dư luận. Nhất là khi Thủ tướng Morrison công bố các địa điểm có thể xây căn cứ trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa Australia sẽ bước vào cuộc bầu cử liên bang, người ta đặt câu hỏi liệu đây có phải động thái mang mục đích chính trị của ông?

Rõ ràng Thủ tướng Morrison muốn đưa chủ đề “an ninh quốc gia” vào chiến dịch tranh cử vì cho rằng điều đó mang lại lợi thế cho liên minh đảng Tự do-Quốc gia. Trước đó, phát biểu tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại thành phố Sydney, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh, Australia đang đối mặt với môi trường an ninh khó khăn và nguy hiểm. Do đó, nước này phải tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao năng lực của Lực lượng quốc phòng Australia (ADF) nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.

Australia cần đưa việc lựa chọn các địa điểm cho căn cứ mới ra tranh luận công khai vì chi phí khổng lồ đòi hỏi kế hoạch cần được thực hiện một cách an toàn và tốt nhất về kỹ năng quản lý, vận hành cũng như bảo trì. Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng, một số quyết định liên quan của Australia cần được thực hiện sớm vì chúng sẽ định hình phần còn lại của chương trình tàu ngầm.

Để thực hiện và hoàn thành chương trình này sẽ cần rất nhiều thời gian. Việc lựa chọn địa điểm nơi tàu ngầm sẽ hoạt động và được duy trì từ đó là một trong những quyết định ban đầu rất quan trọng.

Về vấn đề chọn địa điểm, trước hết cần khẳng định yếu tố cơ bản là các lợi thế chiến lược và hoạt động của căn cứ bờ biển phía Đông và phía Tây. Tàu ngầm hạt nhân xuất phát từ căn cứ hải quân Stirling nằm ở phía Tây Australia sẽ phải đi qua những eo biển hẹp trong quần đảo Indonesia để đến Thái Bình Dương. Trong khi đó, các tuyến đường ở bờ biển phía Đông cung cấp cho tàu ngầm một phạm vi hoạt động rộng và hiệu quả.

Một tàu ngầm từ căn cứ Stirling có khả năng thực hiện các biện pháp răn đe đối với những đối thủ muốn sử dụng eo biển hẹp của Indonesia và cũng có lợi thế trong việc tuần tra xung quanh các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương. Vì vậy, việc có các căn cứ trên cả hai bờ biển phía Đông và phía Tây sẽ mang lại cho quân đội Australia những lựa chọn đa dạng và làm phức tạp thêm kế hoạch của kẻ thù tiềm tàng. Đó là hai yếu tố quan trọng giúp tàu ngầm hạt nhân trở thành vũ khí răn đe mạnh mẽ.

Mỗi địa điểm đều có lợi thế riêng, nhưng cả 3 địa điểm trên đều có một số đặc điểm chung quan trọng là có các cộng đồng nghiên cứu và khu công nghiệp rộng lớn gần với các trường đại học, các công ty và khu dân cư rất tiện cho việc tuyển dụng.

Mỗi địa điểm trên sẽ cho phép các tàu ngầm hoạt động rộng ở Thái Bình Dương. Chúng là những nơi lý tưởng để có thể xây dựng một căn cứ tàu ngầm lớn. Điều đó cho phép không chỉ các tàu ngầm của Australia mà còn của các đối tác Mỹ, Anh được duy trì bảo dưỡng và hoạt động tại căn cứ này-đây là điều trực tiếp mang lại lợi ích cho an ninh của Australia cũng như của khu vực.

Nhưng trở ngại mà Australia phải đối mặt trong khi thúc đẩy kế hoạch xây dựng căn cứ đó là, bất kỳ nơi nào trong 3 địa điểm trên khi các lò phản ứng hạt nhân với urani được làm giàu cao đều sẽ gây ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư gần đó, cho dù hồ sơ có an toàn hoàn hảo đến đâu.

Mặc dù cho đến nay, Australia vẫn chưa lựa chọn xem Mỹ hay Anh là đối tác chính trong kế hoạch của mình nhưng giới phân tích dự đoán căn cứ Hải quân Mỹ ở Hawaii có thể cho thấy căn cứ mới của Australia mà ông Morrison công bố sẽ như thế nào.

Đây sẽ là nơi có những hệ thống khổng lồ, đắt tiền và có đầy đủ công nghệ cũng như những con người có kỹ năng phải được kết hợp với nhau để giúp tàu ngầm hạt nhân luôn sẵn sàng hoạt động. Căn cứ mới không phải là một vài cầu cảng, nhà kho và cần cẩu - trừ khi vì một mục tiêu riêng - Bộ Quốc phòng xây dựng căn cứ này không phải để phục vụ cho việc duy tu, bảo trì. Nơi đây sẽ giống như sân bay thứ hai ở Sydney, với các nhóm nghiên cứu và công nghiệp phát triển nhanh chóng được xây dựng xung quanh.

Theo Quân đội nhân dân