Theo tờ EurAsian Times, dù sở hữu lực lượng không quân lớn thứ 4 thế giới nhưng Không quân Ấn Độ vẫn chưa có máy bay ném bom chiến lược. Hiện tại, Ấn Độ đang xem xét một số phương án, trong đó có cân nhắc tới mẫu máy bay ném bom Tupolev Tu-160 của Nga.
Được biết, Tu-160 do Tổng công trình sư nổi tiếng người Nga Andrei Nikolayevich Tupolev (1888-1972) trực tiếp thiết kế và tham gia chế tạo. Theo Bộ Quốc phòng Nga, máy bay ném bom này được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng nhất trong các khu vực quân sự, vùng địa lý xa xôi và nằm sâu trong vùng hậu cứ ở các lục địa.
Mỗi chiếc Tu-160 có chiều cao 13,1m; chiều dài 54,1m cùng sải cánh rộng 55,7m; trọng lượng rỗng 110.000kg, trọng lượng có tải 267.600kg, trọng lượng cất cánh tối đa 275.000kg, trần bay 16 km, kíp bay 4 thành viên.
Tu-160 mang đến 148 tấn nhiên liệu, có thể hoạt động 15 giờ, bay xa trên 15.000 km, và được trang bị hệ thống nạp nhiên liệu trên không cho phép tăng tầm hoạt động.
Sức mạnh của động cơ Tu-160 cho phép đạt tốc độ 2.200 km/h hoặc 2,08 M ở độ cao lớn, với trọng lượng cất cánh tối đa đạt 275 tấn.
"Thiên nga trắng" Tu-160 có khả năng thay đổi hình dạng cánh với góc nghiêng tùy chọn từ 20° tới 65°. Mỗi máy bay đều được trang bị 4 động cơ tuabin phản lực 2 lớp NK-321.
Sức mạnh của TU-160 được thể hiện trong 2 khoang chứa vũ khí khổng lồ có thể mang các loại tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa có hướng dẫn tầm ngắn, bom hạt nhân, bom thông thường, địa lôi và thủy lôi, với tổng trọng lượng tối đa 40 tấn.
Ưu thế của máy bay ném bom chiến lược là có thể mang vũ khí hạt nhân và chọc thủng hệ thống phòng không của đối phương. Nó còn có khả năng tác chiến tầm xa xuất sắc bất chấp việc mang theo khối lượng vũ khí lớn.